Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Giải phóng Cao Bằng - Chiến thắng của ý Đảng, lòng dân
Từ năm 1947, nhằm đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp tăng cường hoạt động quân sự, lập vành đai phong toả biên giới Việt - Trung, bao vây căn cứ địa Việt Bắc, cho quân đánh chiếm, càn quét, mở rộng phạm vi chiếm đóng xuống vùng trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, thực dân Pháp huy động lực lượng mạnh hòng án ngữ tuyến đường số 4, tuyến đường huyết mạch để vận chuyển hàng hoá, các phương tiện chiến tranh, cung cấp cho lực lượng quân sự của chúng trên chiến trường.
anh tin bai
Ảnh tư liệu
      Nhằm đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước mới, tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biên giới. Yêu cầu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; giải phóng vùng biên giới Cao Bằng; thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Tháng 7/1950, theo quyết nghị của Ban Thường vụ Trung ương, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Biên giới được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận; đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp (phụ trách công tác hậu cần của chiến dịch).
      Cùng với các tỉnh trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã nhận thức rõ vị trí và trách nhiệm của mình trong chiến dịch này. Ban huy động dân công cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập gồm trên một nửa số cán bộ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, Đảng bộ đã lãnh đạo huy động 78.224 người, trong đó hai phần ba là phụ nữ với 1.340.748 ngày công phục vụ cho chiến dịch. Đông đảo nhân dân thuộc các dân tộc ở vùng xa xôi hẻo lánh như Bảo Lạc, Nguyên Bình cách xa mặt trận hàng chục ngày đường cũng vui vẻ xuống núi hăng hái đi dân công phục vụ tiền tuyến. Nếu tính từ đầu năm 1950, Cao Bằng đã huy động tới 5,7 triệu ngày công phục vụ vào sự nghiệp kháng chiến, bình quân mỗi lao động đã đóng góp trên 100 ngày công; chưa kể trên 20.000 nam nữ thanh niên các dân tộc tham gia bộ đội trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường. Ngoài sức người, Cao Bằng còn huy động được 2.346 tấn gạo, trên 120 tấn thực phẩm phục vụ chiến dịch. Đây là một cuộc động viên lớn nhất từ khi bước vào cuộc kháng chiến đến nay.
      Nhiệm vụ quân sự do Bộ Chỉ huy chiến dịch giao cho bộ đội địa phương tỉnh là: Chặn quân địch vào phía Án Lại, Nước Hai, Bản Tấn; chặn đường rút lui về phía Bắc Kạn, Đông Khê; truy kích và tiêu hao địch; chặn đường tiếp tế hàng không của chúng; khi mặt trận Đông Khê nổ súng thì ở thị xã cùng nổ súng phối hợp. Bộ đội địa phương còn được giao nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ kho tàng trên các trục đường giao thông chính để phục vụ cho chiến dịch.
      Cuối tháng 8, đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Cao Bằng. Đây là lần thứ tư Người trở lại Cao Bằng. Tại căn cứ Lam Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Người đã cho những chỉ thị quan trọng. Sau đó, Người đến Sở chỉ huy chiến dịch và nghe Bộ Chỉ huy chiến dịch báo cáo tình hình. Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, xem xét công tác chuẩn bị hậu phương, theo dõi kịp thời diễn biến của chiến dịch, góp những ý kiến chỉ đạo và động viên cán bộ, bộ đội, dân công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đài quan sát của mặt trận trên đỉnh núi Báo Đông, Người đã làm bài thơ “Lên núi” nổi tiếng:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
      Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trận đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đối với nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Bác Hồ ra trận là biểu hiện ý chí quyết thắng quân địch cao nhất của Đảng và nhân dân ta. Khắp mặt trận, quân và dân nô nức thi đua lập công, phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi.
      Đúng 6 giờ sáng ngày 16/9/1950, ta nổ súng đánh Đông Khê mở màn chiến dịch. Đông Khê, một căn cứ quan trọng của địch cách Thất Khê 23 km, sau khi bị đánh hồi tháng 5/1950, từ một cứ điểm, địch đã củng cố Đông Khê thành cụm cứ điểm mạnh. Sau hơn hai ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Đông Khê, diệt trên 300 tên địch, cổ vũ khí thế chiến đấu và tạo ra thế thuận lợi mới cho chiến dịch. Phối hợp với Đông Khê, tại thị xã, quân ta cũng đã nổ súng giam chân và tiêu hao địch. Trong trận mở màn này, xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm. Chiến sĩ La Văn Cầu nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương của mình tiếp tục xông lên phá lô cốt địch, giương lá cờ đầu của phong trào giết giặc lập công. Đại đội trưởng Trần Cừ, lấy thân mình lấp lỗ châu mai mở đường cho đơn vị xông lên diệt địch. Chiến sĩ dân công Đinh Thị Dậu nhiều lần lăn vào lửa đạn cứu thương binh đưa về hậu tuyến…
      Sau khi tiêu diệt Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy Chiến dịch nhận định địch có thể sẽ chiếm lại Đông Khê để giữ Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón quân ở Cao Bằng rút lui. Do đó, ta cần “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy Chiến dịch, sau thất bại ở Đông Khê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng bằng cách chiếm lại Đông Khê làm nơi đón quân ở Cao Bằng về, đồng thời cho quân đánh lên thị xã Thái Nguyên hòng phân tán chủ lực ta, cứu nguy cho biên giới; mặt khác mở chiến dịch “Têra”, dùng Binh đoàn “Buya” lên đánh chiếm Đông Khê làm đầu cầu đón quân ở Cao Bằng về.
Đêm 30/9/1950, Binh đoàn Lơ Pagiơ từ Thất Khê lên định bất ngờ chiếm lại Đông Khê. Sáng 01/10/1950, bị chặn đánh, chúng đã chiếm một số điểm cao ở cửa ngõ nam Đông Khê. Ý đồ bất ngờ chiếm lại Đông Khê của địch bị thất bại. Sáng ngày 7/10/1950, ta mở đợt tiến công mới vào đội hình địch. Quân địch hoảng loạn tháo chạy, ta bám đánh và gọi hàng. Chiều ngày 8/10/1950, Lơ Pagiơ đã bị bắt cùng Bộ tham mưu gần Cốc Xả. Binh đoàn Lơ Pagiơ hoàn toàn bị tiêu diệt.
      Được tin Binh đoàn Lơ Pagiơ lâm vào cảnh khốn quẫn, sáng ngày 3/10/1950, binh đoàn Sáctông gồm 2.000 tên, cùng với tên tỉnh trưởng ngụy quyền Nông Ngọc Tu và một số tay chân đắc lực của chúng buộc phải rút khỏi thị xã Cao Bằng. Ngày 3/10/1950, thị xã Cao Bằng hoàn toàn giải phóng.
Sau khi rút khỏi thị xã Cao Bằng, Binh đoàn Sáctông theo Quốc lộ số 4,  hy vọng hợp quân với Lơ Pagiơ tại Cốc Xả. Trên đường tháo chạy qua Cốc Gằng bị Đại đội 398 thuộc tiểu đoàn địa phương chặn đánh. Đến Nặm Nàng, gặp đoạn đường ta đã phá hủy từ trước, chúng phải bỏ xe chạy theo đường rừng hướng về Bản Lủng, Mông Xã. Ngày 07/10/1950, cùng với bộ đội chủ lực, ta đã chặn đánh địch tại Lam Hai, Nà Gạo, mặc dù máy bay địch đến ném bom bắn phá xuống trận địa gây cho ta thêm nhiều khó khăn nhưng với ý chí quyết thắng, với tinh thần chủ động tiến công địch, bộ đội ta đã vây chặt địch ở Cốc Xả. Tiếp theo Binh đoàn Lơ Pagiơ, Binh đoàn Sáctông cũng bị tiêu diệt hoàn toàn, Sáctông cùng với 20 sĩ quan trong Bộ tham mưu và tên Nông Ngọc Tu, Tỉnh trưởng ngụy quyền Cao Bằng phải kéo cờ trắng xin hàng ở bản Nà Kéo. Trên một ngàn quân cứu viện gồm lính bộ binh và lính dù từ Thất Khê lên cũng bị quân ta đánh tại Bông Lau và Lũng Phầy. Trận tiêu diệt gọn Binh đoàn Sáctông đã đưa chiến dịch tới toàn thắng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng, đến ngày 14/10/1950, chiến dịch Biên giới toàn thắng, ta giải phóng 350.000 dân với diện tích rộng 4.500km2. Chiến thắng Biên giới đã làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và Pháp. Sau chiến dịch này, quân ta liên tiếp giành quyền chủ động tiến công địch, đẩy địch ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động.
      Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đánh dấu bước trưởng thành lớn của Đảng ta trong việc lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh. Đối với Đảng bộ Cao Bằng, qua chiến dịch này cũng được trưởng thành về nhiều mặt. Chiến dịch Biên giới cho Đảng bộ thấy rõ những khả năng to lớn của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, khả năng của bộ đội địa phương, dân quân du kích trong việc tham gia phục vụ chiến dịch và hợp đồng chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch. Sau chiến dịch này, Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh và các cơ quan khác của Đảng bộ học thêm được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh ở địa phương, đặc biệt là kinh nghiệm vận động nhân dân các dân tộc thiểu số tham gia vào chiến dịch với một quy mô lớn, trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng.
      Ngay sau khi Cao Bằng được giải phóng (03/10/1950), Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến Hành chính tỉnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang, các ban, ngành  và Nhân dân trong tỉnh nhanh chóng tiếp quản, thu dọn giải quyết hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định đời sống của nhân dân và nơi ở, làm việc của cán bộ, lực lượng vũ trang và các cơ quan nhà nước của tỉnh, đây là chiến thắng của ý Đảng, lòng dân, kết thúc một giai đoạn kháng chiến gian khổ và kiên cường của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Cao Bằng trong cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng do Đảng ta lãnh đạo. Trong chiến thắng Chiến dịch Biên giới, giải phóng Cao Bằng, Đảng bộ và quân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào đã đóng góp sức người, sức của, phối hợp hiệp đồng chiến đấu có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch.
       Kỷ niệm 73 năm Ngày giải phóng Cao Bằng (03/10/1950  - 17/10/2023), là dịp để tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước. Kế tục  và phát huy truyền thống cao quý của các thế hệ cha anh đi trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX./.

Theo tuyengiaocaobang.vn

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang