Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chiến sỹ Điện Biên - ngời sáng những chiến công

Những ngày này, cả nước rực rỡ cờ hoa hân hoan trong niềm vui kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) - một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân Việt Nam, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam trở thành biểu tượng thể hiện tinh thần khát khao độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc của các dân tộc trên thế giới, làm xoay chuyển lịch sử nhân loại trong nửa cuối thế kỷ XX. Những giá trị truyền thống, bài học kinh nghiệm của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào giai đoạn lịch sử mới chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai. Với đường lối cách mạng đúng đắn, sự chỉ đạo tài tình của Đảng, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng đã đóng góp nhiều sức người sức của, lập nhiều chiến công xuất sắc. Bổ sung cho bộ đội chủ lực 844 cán bộ, chiến sĩ; có 1.034 người đi dân công phục vụ chiến dịch dài ngày; đóng góp gần 2.000 tấn thóc, tu sửa 800 cầu cống phục vụ chiến dịch; huy động nhiều loại phương tiện vận chuyển hàng phục vụ chiến trường, trong đó 228 xe đạp, 120 xe ngựa, 140 ngựa thồ vận chuyển 1.200 tấn thóc về Bắc Kạn phục vụ chiến dịch…

Chiến dịch toàn thắng, nhiều người con Cao Bằng đã anh dũng hy sinh nằm lại chiến trường Điện Biên, trong đó có nhiều tấm gương anh dũng như anh hùng, liệt sĩ Bế Văn Đàn lấy vai mình làm giá súng để đồng đội tiếp tục chiến đấu... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 16 chiến sỹ Điện Biên đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nay đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm” từ 91 - 96 tuổi; họ cùng tham gia chiến dịch khi đang ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, người trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường, người làm công tác hậu cần, người làm công tác quân y… tất cả đều tự hào mang trong mình tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
 Chiến sĩ anh hùng
 Đầu nung lửa sắt
 Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi,
                                 ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
 Máu trộn bùn non
 Gan không núng
 Chí không mòn!
 Những đồng chí thân chôn làm
                                        giá súng
 Đầu bịt lỗ châu mai
 Băng mình qua núi thép gai
 Ào ào vũ bão,
 Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
 Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...
 Những bàn tay xẻ núi lăn bom
 Nhất định mở đường cho xe ta
                                lên chiến trường tiếp viện...

                             (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên Báo Cao Bằng được gặp gỡ 12 chiến sỹ Điện Biên năm xưa, nghe các ông kể về những kỷ niệm, những năm tháng đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc, về một chiến thắng vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Những câu chuyện xúc động nơi chiến trường đã truyền cảm hứng, tình yêu Tổ quốc, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ.

Những con người làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc nay đã bước vào tuổi xế chiều, nhưng khi nhắc đến ký ức về trận đánh Điện Biên Phủ họ vẫn không thể nào quên. Ông Lưu Sỹ Niếp, sinh năm 1930, ở tổ 1, phường Ngọc Xuân (Thành phố) vẫn vẹn nguyên hình ảnh về những năm tháng hào hùng cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày chiến đầu ác liệt giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào trên cánh đồng Mường Thanh. Ông Nguyễn Tiến Pồn, sinh năm 1928 ở xóm Nà Mè, Thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An không quên những ngày kéo pháo gian khổ ra vào trận địa. Ông Nông Ích Hoành, sinh năm 1929 ở phố Cũ, phường Hợp Giang (Thành phố) không quên những ngày vận chuyển quân nhu đến kiệt sức. Ông Công Văn Chức, sinh năm 1933 ở xóm Bản Hang, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh không quên những chuyến xe vận chuyển pháo, súng đạn, thuốc men, đạn dược băng qua bom rơi lửa đạn. Ông Mông Thanh Học, sinh năm 1931 ở xóm Nà Niển, xã Bình Dương (Hòa An) không quên nhiệm vụ đào hầm ngầm vào sâu trong lòng đồi tới tận chân lô cốt địch để đánh bộc phá…

Ở tuổi 95 nhưng ông Nông Ích Hoành vẫn thường xuyên dịch tài liệu và theo dõi sự phát triển của quê hương, đất nước qua báo chí.
Ở tuổi 95 nhưng ông Nông Ích Hoành vẫn thường xuyên dịch tài liệu và theo dõi sự phát triển của quê hương, đất nước qua báo chí.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã trở về đóng góp công sức của mình vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển quê hương Cao Bằng. Dù ở cương vị nào, các ông luôn giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua... trở thành những cán bộ đi đầu trong các phong trào hoạt động, những công dân gương mẫu, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước. Các ông là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo và học tập về tinh thần quả cảm, tất cả vì đất nước, vì nhân dân. Sự đóng góp của các chiến sỹ Điện Biên được ghi vào trang sử vàng oanh liệt của dân tộc như một bản trường ca bất diệt vang mãi đến muôn đời sau.

Cán bộ, phóng viên Báo Cao Bằng và chính quyền địa phương chụp ảnh lưu niệm với gia đình chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Tiến Pồn,
Cán bộ, phóng viên Báo Cao Bằng và chính quyền địa phương chụp ảnh lưu niệm với gia đình chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Tiến Pồn.

Khi loạt bài về “Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng” kết thúc, Báo Cao Bằng đã thành lập các đoàn công tác đến thăm và tặng quà tri ân các chiến sỹ Điện Biên, mong các ông luôn giữ gìn sức khỏe, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Và thật buồn, trước ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điên Biên Phủ oai hùng, chiến sỹ Điện Biên Nông Đức Hiếu ở xóm Nà Niền, xã Đức Long, huyện Hòa An đã ra đi gặp gỡ các đồng đội năm xưa của mình do tuổi cao, sức khỏe yếu.

Bom đạn, mất mát của 70 năm về trước đã lùi xa, nhưng ký ức về những ngày tháng oanh liệt, về tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn luôn sống mãi trong tâm trí những người đã từng đi qua các cuộc chiến. Gặp gỡ, trò chuyện với những người lính Điện Biên năm xưa, chúng tôi càng hiểu thêm giá trị của hòa bình mà cha ông đã phải đánh đổi bằng xương máu; nguyện phấn đấu học tập, lao động và rèn luyện, tiếp nối sự nghiệp dựng xây quê hương, xứng đáng với những hy sinh to lớn đó. 

Nguồn: baocaobang.vn
  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang