Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Đồng chí Lương Khánh Thiện là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và lý lưởng cao đẹp của Đảng.

Toàn cảnh Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý).
Toàn cảnh Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý). Ảnh: Báo Hà Nam

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh năm 1903 tại thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý) tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước.  Với tư chất thông minh, tuổi ấu thơ gắn liền với quê hương, người lao động nghèo khổ, đồng chí thấu hiểu nỗi khổ cực, tủi nhục của người dân mất nước. Chính gia cảnh và cuộc sống lầm than của nhân dân đã sớm nhen nhóm trong con người đồng chí tính tự lập, tình nhân ái, lòng căm thù kẻ áp bức, bóc lột đến tột cùng và nung nấu ý chí phải đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

 Sau khi học hết lớp Nhì bậc Tiểu học, đồng chí Lương Khánh Thiện phải bỏ học vì nhà nghèo và thi cử nặng nề. Năm 1923, đồng chí rời quê ra thành phố Hải Phòng xin vào học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Quá trình học tại trường, đồng chí kết bạn thân với Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt), Lưu Bá Kỳ và những học sinh khác yêu nước, có chí hướng.

Từ năm 1924, nhiều sự kiện chính trị của người Việt Nam yêu nước hoạt động ở nước ngoài liên tiếp diễn ra, dội về trong nước tác động đến phong trào công nhân và phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh trong đó có Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Cuối năm 1925, phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho Phan Bội Châu diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Đồng chí cùng Hạ Bá Cang, Lưu Bá Kỳ dẫn đầu đoàn học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành chặn xe Toàn quyền Va ren từ Đồ Sơn về Cầu Rào, đưa đơn đòi trả tự do cho Phan Bội Châu, đã gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội. Trở về trường, bị phạt, bị dọa đuổi học, các học sinh trong trường nhất loại bãi khoá phản đối. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí bỏ học, tìm cho mình một hướng đi mới trên con đường đấu tranh chống áp bức, bất công.

Năm 1926, đồng chí về Nam Định làm thợ nguội Nhà máy Sợi; năm 1927, được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định. Năm 1928, Đồng chí trở lại Hải Phòng và thực hiện chủ trương “vô sản hóa” trong phong trào công nhân. Tháng 4/1929, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng; đồng chí được phân công phụ trách cơ sở Nhà máy Chai và trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động và đời sống; các cuộc bãi công của công nhân kéo dài hằng tuần và được hưởng ứng rộng rãi trên địa bàn Hải Phòng, buộc giới chủ phải chấp nhận nhiều yêu sách của công nhân.

Giữa năm 1929, đồng chí bị địch bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng; ngày 29/01/1931, chính quyền thực dân Pháp đã mở phiên tòa kết án đồng chí mức án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội.

Tháng 7/1931, đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều tù nhân chính trị bị địch đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo, bị giam ở Banh 2 cùng với các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh… Đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với những chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; tổ chức học tập nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá chủ nghĩa cộng sản... Trước sự hà khắc, đày ải của nhà tù Côn Đảo, những người tù chính trị ở Banh 2 quyết định kêu gọi anh em đoàn kết, thống nhất đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, đòi một số quyền tự do, dân chủ tối thiểu, đồng thời mở các lớp học trong tù để nâng cao trình độ văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho anh em, tạo niềm tin vào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu; Ban Lãnh đạo chung toàn Banh được thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được bầu vào Ban đại diện tù nhân Banh 2.

Những năm tháng trong “địa ngục trần gian” nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lương Khánh Thiện và các đồng chí của mình không chỉ đấu tranh với bọn cai ngục mà còn đấu tranh với những người tù Quốc dân đảng; đồng chí đã trực tiếp cảm hóa, thu phục được nhiều người tù Quốc dân đảng tham gia cách mạng. Trước mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí luôn giữ khí tiết kiên trung, bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Qua thực tiễn đấu tranh gian khổ trong lao tù, đã giúp đồng chí trở thành một trong những người lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng.

Tháng 9/1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và trở về đất liền tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

Tháng 3/1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9/1937); kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938). Ngày 29/12/1938, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được trả tự do vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 1/1939, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9/1939. Sau đó, đồng chí được cử thay mặt Xứ ủy đi chỉ đạo bí mật xây dựng căn cứ và tổ chức cơ sở cách mạng cho Đảng ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 10/1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và một phần tỉnh Kiến An) và trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng.

Tháng 1/1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, tòa án chính quyền thực dân đã kết án tử hình và ngày 2/9/1941, đồng chí bị địch xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng. Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thuỷ chung, sắt son với Đảng, với dân tộc, vẫn vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, nêu tấm gương sáng ngời cho các thế hệ về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, tiếp tục bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ.

Theo baocaobang.vn

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang