Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng (1941 - 1945)

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam; những hoạt động của Đại tướng gắn liền với nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Cao Bằng, đặc biệt là lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

anh tin bai

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, có tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Quê ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong Võ Nguyên Giáp ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc.
     Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1940, đồng chí đã cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên trực tiếp soạn tài liệu và giảng dạy lớp huấn luyện ngắn ngày cho 40 học viên là thanh niên Cao Bằng nhằm đào tạo cán bộ cho công tác thí điểm phong trào Việt Minh ở Cao Bằng. Sau lớp huấn luyện này, các đồng chí dự lớp đã trở về ngay trong nước, nắm lại các cơ sở quần chúng, tìm cách phục hồi phong trào cách mạng.
       Đầu năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhanh chóng về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Đồng chí được Người giao nhiệm vụ về các châu Hòa An, Nguyên Bình để mở các lớp huấn luyện cán bộ. Trước khi lên đường, đồng chí Võ Nguyên Giáp cải trang thành một người dân địa phương với bộ quần áo chàm, chiếc mũ nồi dạ và một chiếc túi dệt bằng vải chàm đeo sau lưng, trong giống một thầy giáo người dân tộc vùng cao, đến với đồng bào các dân tộc. Trong túi, ngoài những tài liệu của lớp huấn luyện tại biên giới, lúc này đã được in thành tập với tên là Con đường giải phóng, còn có tập Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dịch, để làm tài liệu huấn luyện, tuyên truyền.
      Nội dung huấn luyện gồm có tình hình thế giới, tình hình trong nước, tại sao phải đánh Tây, đuổi Nhật, rồi đến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, cách tổ chức hội cứu quốc, các đội tự vệ, năm bước công tác bí mật, cách khai hội, cách phát biểu ý kiến… Tuy các lớp huấn luyện được tổ chức trong hoàn cảnh hết sức khó khăn do điều kiện vật chất thiếu thốn, bữa ăn chỉ có cháo bẹ, rau rừng, nhưng tinh thần học tập của cán bộ, đảng viên rất hào hứng. Thời gian học tập tuy ngắn, nhưng khẩn trương, kỹ lưỡng, nên toàn thể học viên đều nắm vững chủ trương, đường lối cách mạng trong điều kiện lịch sử mới và cách thức gây dựng, phát triển phong trào Việt Minh. Sau đó, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng đến hoạt động tại xã Tam Kim (châu Nguyên Bình), tổ chức lớp huấn luyện ở khu vực đồng bào Mông, Dao và xúc tiến công tác gây dựng các đoàn thể cứu quốc sang châu Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) nhằm đào tạo cán bộ cho phong trào vùng cao, từ đó, xây dựng cơ sở vững chắc, trở thành bàn đạp phát triển xuống Bắc Kạn để sẵn sàng thực hiện chủ trương Nam tiến.
     Năm 1942, theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quyết định của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng, công tác Nam tiến được đặt ra một cách khẩn trương. Tháng 3/1942, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng đến tổng Kim Mã (nay thuộc xã Tam Kim) ở phía Nam châu Nguyên Bình để tổ chức Ban xung phong Nam tiến nhằm cấp tốc tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (tỉnh Bắc Kạn) đi về miền xuôi. Để phong trào xung phong Nam tiến bảo đảm thắng lợi, các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng vừa chỉ đạo các đội xung phong Nam tiến, vừa tranh thủ mở những lớp huấn luyện cấp tốc cho các đội viên về phương hướng, nhiệm vụ mở đường Nam tiến. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban xung phong Nam tiến đã tổ chức được 19 đội xung phong tuyên truyền Nam tiến… Sau gần một năm hoạt động, cuối tháng 11/1943, con đường quần chúng cách mạng theo hướng Nam tiến trên địa bàn Việt Bắc mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, từ Cao Bằng đã nối liền với khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai. Sau đó từ cơ sở cách mạng ở Chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên) đã thiết lập được đường dây liên lạc với Trung ương Đảng ở miền xuôi; phong trào cách mạng ở Việt Bắc được gắn liền với phong trào cả nước. Phong trào Nam tiến qua vùng đồng bào Mông, Dao đã dẫn đến sự ra đời của khu Quang Trung và khu Thiện Thuật, Khu vận động cách mạng của đồng bào Mông, Dao ở hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Sau khi hoàn thành sứ mệnh khai thông con đường Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp quay lại Cao Bằng cùng với các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Bằng Giang, Đặng Văn Cáp, Hoàng Sâm... tiếp tục mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự địa phương.
     Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao trọng trách “tập hợp những cán bộ, chiến sỹ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động”[1]. Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ chu đáo về mọi mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, 5 giờ chiều ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể tại khu rừng Trần Hưng Ðạo nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, với 34 chiến sĩ. Chấp hành Chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ba hôm sau, Đội đã đánh chiếm diệt gọn đồn Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và đồn Nà Ngần (ngày 26/12/1944). Hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa rất to lớn, mở đầu cho truyền thống “trăm trận trăm thắng” của quân đội ta.
Như vậy là, suốt gần 5 năm lăn lộn với phong trào cách mạng ở Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp hầu như có mặt ở tất cả những điểm nóng tại núi rừng Cao - Bắc - Lạng, từ đó góp phần xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sáng suốt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thể hiện rõ khả năng, năng lực toàn diện của mình và thực hiện đúng đắn, sáng tạo, phù hợp ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ít người. Thực sự thời kỳ này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện rõ: “Văn lo vận nước Văn thành Võ/Võ thấu tình dân Võ hóa Văn” nên đã góp phần huy động được cao nhất năng lực và sức mạnh tinh thần, truyền thống yêu nước của các dân tộc và đã trở thành sức mạnh “dời non lấp biển” cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. 
     Những năm tháng hoạt động tại Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mối quan hệ tốt đẹp, sâu nặng với bà con nơi đây và chính Đại tướng đã được bà con đùm bọc, che chở như người thân trong gia đình. Đó cũng là lý do, đến đâu Đại tướng cũng nhanh chóng học được tiếng dân tộc ở vùng ấy - vốn tiếng dân tộc đủ để Đại tướng dịch Việt Minh Ngũ tự kinh sang các tiếng Tày - Nùng, Mông, Dao. Mỗi lần đi công tác, tuyên truyền, vận động bà con, Đại tướng đều nói bằng tiếng Tày, tiếng Mông, Dao rất thân thiện, gần gũi nên được bà con vô cùng quý mến. Và sau này mỗi lần lên Cao Bằng, gặp bà con các dân tộc, Đại tướng vẫn thường chào hỏi bằng tiếng dân tộc. Đồng thời, thẳm sâu trong tim mình, Đại tướng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với vùng đất Cao Bằng nghĩa tình, kiên trung, bất khuất.
      Từ sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở lại thăm Cao Bằng nhiều lần (lần cuối là năm 1994). Lần nào lên Cao Bằng, Đại tướng cũng lên thăm Pác Bó, lên hang Cốc Bó, lên lán Khuổi Nặm… và đặc biệt là vào thăm khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi khai sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều lần trở lại thăm Cao Bằng, thăm quê hương thứ hai, đó là ân tình của Đại tướng dành cho Cao Bằng. Như Đại tướng khẳng định: “Tôi lên thăm Cao Bằng cũng như là về quê hương thứ hai, cũng như về nhà, bởi vì trong nhiều năm sống và làm việc, chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Cao Bằng, Nhân dân Cao Bằng, tình cảm của tôi đối với Cao Bằng cũng như là tình cảm của tôi đối với bản thân quê hương của tôi hay là quê hương Nghệ Tĩnh”[2].
      Tưởng nhớ công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2013, Khu di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những đóng góp của quân và dân Cao Bằng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống, nơi lưu trữ những địa danh, hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam, với những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội quân cách mạng đầu tiên và các hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh Cả của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
      Nay Đại tướng đã về với “thế giới người hiền”. Sự nghiệp, công lao và những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng mãi mãi trường tồn cùng thời gian và sống mãi trong trái tim đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như “cây đại thụ lẫm liệt” cùng những nghĩa tình sâu nặng của Đại tướng dành cho Nhân dân các dân tộc Cao Bằng mãi mãi in đậm, sống mãi với thời gian. Nhớ về Đại tướng, mỗi người đều tự nhận thấy trên từng cương vị công tác phải toàn tâm, toàn ý, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình hơn nữa để góp phần cùng với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện lời căn dặn cũng như như ý nguyện của Đại tướng, xây dựng quê hương Cao Bằng ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là “Ngôi sao cách mạng Việt Bắc”.
 
 
[1] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.141.
[2] Tỉnh uỷ Cao Bằng - Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng (1941 - 1945) (Kỷ yếu Hội thảo khoa học - thực tiễn), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Cao Bằng xuất bản năm 1995, tr.19.

Nguồn: tuyengiaocaobang.vn

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang