Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Văn hóa truyền thống từ các lễ hội đầu xuân

Lễ hội đầu xuân là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức với các nghi lễ truyền thống và những hình thức sinh hoạt văn hóa. Lễ hội là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư. 

Ðể gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Một trong số đó là bảo tồn, phục dựng và tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa vừa để nhấn mạnh những nét đặc sắc vừa để gìn giữ những giá trị thuộc về văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh…

Hằng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, huyện Bảo Lâm lại rộn ràng trong không khí ngày hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Với 9 dân tộc cùng sinh sống, ngày hội đã tái hiện gần như đầy đủ nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Những làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao… được các nghệ nhân, diễn viên trình diễn trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Các gian hàng trưng bày không gian văn hóa, sản vật của các xã phong phú về sắc màu văn hóa cũng như các sản vật nơi đây. 

Tiết mục biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) năm 2024.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nông Văn Lương cho biết: Huyện là một trong những cái nôi văn hóa của nhân dân các tộc trong tỉnh. Các lễ hội, trang phục truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn được lưu giữ và bảo tồn. Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lâm hằng năm được tổ chức là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và người dân trên địa bàn huyện được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về những nét văn hóa truyền thống. Ðồng thời, là dịp để gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… 

Hòa mình vào không khí ngày hội, chị Vàng Thị Mai, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) không giấu được niềm vui về sự đổi thay của quê hương mình. Ðiều chị mừng hơn cả là những nét văn hóa truyền thống các dân tộc của huyện vẫn hiện diện gần như nguyên vẹn. Chị Mai chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở đây, tôi cảm nhận được sự thay đổi từng ngày của mảnh đất Bảo Lâm. Trước đây, kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân chỉ tập trung vào lao động sản xuất, nay mọi thứ đều phát triển hơn, người dân có thời gian quan tâm gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình. Các nghệ nhân, diễn viên và cả các vận động viên đều đã nỗ lực tập luyện bằng khả năng, sức lực, tâm huyết của mình, góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống, những hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Bảo Lâm đến bạn bè, du khách gần xa...

Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lạc Quan Hồng Tiềm, bảo tồn, gìn giữ được các nét văn hóa truyền thống sẽ phục vụ cho phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong tương lai. Nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Bảo Lạc phần lớn được quảng bá, giới thiệu tại những sự kiện văn hóa, du lịch, các lễ hội của huyện như: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình Phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông… 

Huyện Bảo Lạc đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ các nét văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ. Qua mỗi sự kiện, lễ hội, có thể thấy nhiều nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Bảo Lạc vẫn đang được bảo tồn khá tốt. Cụ thể, nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc có các di sản văn hóa đa màu sắc, nổi bật như: Lễ cúng thần đá của dân tộc Lô Lô; các làn điệu Lượn cọi, phong slư, hát Then của dân tộc Tày, lượn Nàng ới của dân tộc Nùng; múa khèn của dân tộc Mông, múa sluổng dân tộc Tày, múa trống của dân tộc Lô Lô… Các phong tục tập quán như Lễ lên đèn (Qua tang) và Lễ phong chức, cấp sắc (tẩu sai) của dân tộc Dao…

Những bậc trưởng lão và lãnh đạo huyện Hòa An thực hiện các nghi thức khai mạc Lễ hội đền Vua Lê, xã Hoàng Tung.
Những bậc trưởng lão và lãnh đạo huyện Hòa An thực hiện các nghi thức khai mạc Lễ hội đền Vua Lê, xã Hoàng Tung.

Tại lễ hội đền vua Lê, xã Hoàng Tung (Hòa An), chùa Đống Lân, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm (Thành phố), các nghi thức phần lễ được thực hiện trang nghiêm, thành kính, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, với sự đa dạng, phong phú về loại hình hoạt động và gắn với đặc trưng vùng miền, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng đều có điểm chung là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước.

Lễ hội đầu xuân được tổ chức là dịp để mỗi người và cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thế giới thực tại, giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Lễ hội đem lại đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc: Sự vui vẻ, yên tâm, tự tin, tự hào, sự hiểu biết, đoàn kết, thương yêu, lòng nhân ái, thể hiện sự bình đẳng dân chủ trong cộng đồng. Đồng thời, góp phần lưu giữ và truyền lại vốn văn hóa truyền thống cho các thế hệ kế tiếp, là một trong những hình thức chủ yếu thể hiện phong tục tập quán truyền thống của từng dân tộc... Vì vậy, các lễ hội đã thu hút được đông đảo người dân, đó là truyền thống, là sự kết nối, đoàn kết, thông qua đó, bản sắc văn hóa truyền thống được phát huy.     

Nguồn: baocaobang.vn

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang