Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lễ mừng thọ - nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Tày

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Tày rất tôn trọng người già. Tiếng nói của người cao tuổi rất có giá trị trong các công việc lớn của gia đình, dòng họ, trong các sự kiện thôn bản, cộng đồng. Người Tày còn có nhiều nghi lễ quan trọng đối với người cao tuổi. Tương ứng với từng độ tuổi Phúc, Thọ, Khang, Ninh, người Tày tổ chức lễ mừng thọ cho người thân. Lễ mừng thọ thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân. 

Trong lễ mừng thọ của người Tày có lễ “Pủ lương” là điểm đáng lưu ý bởi nhân sinh quan và ý nghĩa. “Pủ lương” dịch ra tiếng Việt nghĩa là bù lương thực. Trong quan niệm của người Tày, sức khỏe của con người như bồ thóc gạo do trời quản lý. Cùng với thời gian, bồ lương thực tức là sức khỏe của mỗi cá thể sẽ vơi bớt dần, muốn đầy thì phải bù vào. Lễ “Pủ lương” là như vậy. Khi trong nhà ông bà, cha mẹ cao tuổi, con cháu sẽ tổ chức lễ “Pủ lương” để bù lương thực, để tăng thêm tuổi thọ cho người già được sống lâu. Người Tày ở mỗi địa phương tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi có thể có một số chi tiết khác nhau nhưng đa số là có điểm chung. Người Tày Cao Bằng tổ chức lễ mừng thọ không quá cầu kỳ mà cũng không đơn giản hóa.

Buổi lễ được tổ chức bắt đầu từ 0 giờ, nhưng ngay từ chiều tối, nhà đã tấp nập từ trẻ, già, lớn, bé. Con cháu, họ hàng mang theo lợn quay kèm đồ lễ gồm gạo, thịt, rượu... Điều hành buổi lễ là Bụt và Tào. Tuy nhiên, hiện nay lễ mừng thọ được đơn giản hóa tùy theo nhu cầu của từng gia đình có thể chỉ cần một người kiêm cả chức năng của Bụt và Tào. Để chuẩn bị cho buổi lễ, những người phụ nữ khéo léo đứng tuổi, được mọi người tin tưởng giao cho cắt những đồng tiền giấy bản, giấy dó. Trước đàn lễ để một cái thúng kết bằng sợi tượng trưng cho bồ đựng thóc gạo. Mỗi gánh của con cháu họ hàng đem đến đều có một túi gạo nhỏ được đổ chung vào thúng là phần lương thực mà người thân bổ sung vào bồ. Một chiếc lầu bổ lương cũng được đan kết cẩn thận. Trong các dụng cụ của thầy Tào không thể thiếu bộ tính, ấn, gương soi để thầy soi chiếu và xua đuổi tà ma, ác quỷ. Một đàn cúng lễ được dựng dưới chân bàn thờ có 3 mâm cơm. Mâm chính đặt ở giữa, trên mâm có thủ lợn, gà luộc, 1 hũ rượu ngọt được gia đình ủ bằng gạo nếp từ trước đó một tuần, 5 chén rượu, 5 đôi đũa và gạo thắp hương. Mâm đối diện để Bụt, Tào ngồi. Mâm này có 5 bát: bát thứ nhất để cắm lục mệnh của người được làm thọ; bát thứ hai để thờ Nam Tào, Bắc Đẩu - hai vị thần trông coi số mệnh của mỗi người có mặt trên đời; bát thứ ba thờ Hoa vương thánh mẫu (Mẹ Hoa - Mẻ Bjoóc); bát thứ tư là bát gạo hồn có một quả trứng gà đặt dựng đứng để lấy mệnh của mọi người trong gia đình; bát thứ năm để đặt ấn tín của thầy. Còn một mâm là lợn quay của hàng con rể, cháu rể đem đến. Những bức trướng bằng vải màu của con cháu mang đến mừng thọ được treo trang trọng quanh nhà. Ở mỗi tuổi làm thọ, trướng được chọn màu và viết nội dung cho phù hợp: 49 tuổi ghi chữ “Phúc”, 61 tuổi ghi chữ “Thọ”, 73 tuổi ghi chữ “Khang” và tuổi 85 ghi chữ “Ninh”.

Thầy Tào làm lễ mừng thọ trong những ngày đầu năm.

Đúng 12 giờ đêm, thầy Tào bắt đầu hành lễ. Trước tiên, thầy Tào trình báo lên tổ tiên, các vị thần linh lý do tổ chức lễ và cúng các lễ vật lên tổ tiên. Thầy Tào đọc những lời ca, bài hát, những lời ca đều mang nghĩa tập hợp binh mã, vật lễ dâng lên trời. Sau đó thầy Tào tiếp tục chỉ đạo việc chuyển lương thực. Con cháu, họ hàng ngồi xếp hàng đối diện, từ thúng gạo của con cháu trải một tấm vải trắng trên lớp vải đen dẫn đến lầu bổ lương tượng trưng cho chiếc cầu nối từ hạ giới lên thiên đình. Trên mặt vải đặt những chiếc đũa xếp hình chữ chi cùng vàng mã tượng trưng là thanh cầu là tiền hành lộ. Thầy xúc từng bát gạo, đem theo vàng mã và ít tiền lẻ rồi niệm thần chú, đưa cho con cháu chuyền tay nhau đổ vào lầu bổ lương. Khi bồ lương đầy, số gạo dư trong thúng lẫn những đồng tiền sẽ được thầy Tào ban lại cho con cháu coi như lộc của ông bà, cha mẹ. Chiếc lầu bổ lương sau đó được một người con trong gia đình đưa buộc vào cây thượng lương ở trên gác. Ở dưới thầy Tào hát những khúc hát chúc tụng tốt đẹp cầu mong cho người được làm lễ trường thọ, an lành, con cháu vui vẻ, khỏe mạnh và an khang. Sau khi mọi nghi thức trong nhà đã xong, thầy chọn hai người đem hai cây tre, cây chuối tượng trưng cho hai cây mệnh đưa ra ngoài vườn, chọn nơi đất tốt làm lễ rồi trồng và rào chắn cẩn thận để đảm bảo sau này cây mọc tươi tốt.

Mừng thọ cho người cao tuổi đối với người Tày là truyền thống có từ lâu đời, không chỉ thể hiện nền nếp, gia phong của một gia đình mà còn mang ý nghĩa về văn hóa dân tộc, là sự thể hiện tôn kính những bậc tiền bối cao niên, ông bà cha mẹ. Đồng thời, còn có ý nghĩa trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.                       

Nguồn: baocaobang.vn
  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang