Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA MTTQ VIỆT NAM ĐỂ PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
(Mặt trận) - Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò ngày càng quan trọng với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần tích cực củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Mặt trận tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với Nhân dân, vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở, sâu sát với đời sống Nhân dân.
anh tin bai
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đại biểu tham gia trồng cây tại Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết - nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, nhà chiến lược thiên tài, nhà tổ chức vĩ đại, Người sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"; "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Đó là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Trải qua hơn 93 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành lực lượng cách mạng to lớn đưa Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò ngày càng quan trọng với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần tích cực củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; động viên Nhân dân phát huy tinh thần sáng tạo, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mở rộng quan hệ hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước trên thế giới.

Phát huy truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nỗ lực tham gia triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nền tảng vững chắc và là sức mạnh to lớn cho sự ổn định, phát triển bền vững đất nước.

Trong những năm qua, mặc dù chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã giành được những thành tựu to lớn quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua 37 năm đổi mới. Điểm nổi bật là kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng. Sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao. Phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt những kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Phúc lợi xã hội và đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Cải cách hành chính có bước tiến bộ.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt hơn bao giờ hết và đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Chính trị - xã hội ổn định. Vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Những kết quả quan trọng đó đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sự vào cuộc và phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí,... tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Trong những thành tựu chung đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều cố gắng trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị vững mạnh.

Đặc biệt là đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phong trào xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hoá, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hầu hết các nội dung công tác của Mặt trận đều có bước chuyển biến về chất, có sức lan toả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng bước phát huy đầy đủ vai trò của mình được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành.

anh tin bai
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên và đông đảo hội viên phụ nữ cùng nắm tay nhau trong vòng xòe đoàn kết tạichương trình giao lưu nghệ thuật “Thắm mãi tình quân dân” tối ngày 5/3/2024

Trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng hướng mạnh về cơ sở, theo phương châm gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước. Chủ động thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm quyền, nhiệm vụ của mình trong tình hình mới. Những kết quả đạt được đã góp phần không ngừng tăng cường, tạo động lực, sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn những chủ trương, quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận năm 2015, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập của đất nước; đồng thời, bám sát thực tiễn để đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, trong đó cần chú trọng đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

1. Cần phải làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội có nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chỉ rõ: "Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo". Chính vì lẽ đó, bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, với nhiều hình thức vận động phong phú, đa dạng thông qua các tổ chức thành viên, Mặt trận phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục truyền thống yêu nước, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, tạo sư đồng thuận trong xã hội để phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh; Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mặt trận cần động viên các tầng lớp nhân dân củng cố, tăng cường khối liên minh giữa công nhân - nông dân - trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân. Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp được mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Về hành động trong những năm tới, đất nước ta tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương dân chủ, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, đổi mới sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Tiếp tục tổ chức tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Người Việt Nam tự hào hàng Việt Nam”, phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế", bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, lan toả, sát hợp với thực tế đời sống của Nhân dân ta.

 Để thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận phải chú trọng đổi mới phương thức hoạt động từ khâu tổ chức triển khai, thực hiện: xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp đối với từng tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức; các điều kiện, nguồn lực cần thiết cho từng cuộc vận động, từng phong trào. Thực hiện các hình thức tuyên truyền phù hợp về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền để xác định nội dung, cơ chế phân công trách nhiệm trong tổ chức thực hiện tham gia chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Mặt trận cần hiệp thương, thống nhất, phân công các tổ chức thành viên thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với các cuộc vận động, phong trào thi đua của các tổ chức thành viên để tránh chồng chéo, hình thức, hiệu quả thấp. Mặt trận phải kết nối được với các tổ chức thành viên, nhất là với các đoàn thể chính trị - xã hội về đánh giá kết quả của từng cuộc vận động, từng phong trào, thấy được những mặt tích cực, mặt hạn chế, nguyên nhân và cả những kinh nghiệm rút ra trong triển khai, tổ chức thực hiện để kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cuộc vận động, phong trào thi đua ngày càng có chất lượng cao hơn, thiết thực hơn và nhận được sự hài lòng của Nhân dân, làm cho uy tín, vị thế của Mặt trận trong xã hội được nâng cao, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.

3. Chú trọng chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Thực hiện tốt hơn cải thiện dân sinh, chăm lo đời sống vật chất của mọi người dân và cả cộng đồng dân cư bao gồm ăn, ở, điều kiện học hành, đi lại, bảo vệ sức khoẻ, y tế trong phòng, chống dịch bệnh, nghỉ ngơi, môi trường sống, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao dân trí trong điều kiện của cuộc Cách mạng 4.0 về trình độ văn hoá, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, nền kinh tế số, xã hội số. Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự của Nhân dân thông qua Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân và làm chủ trực tiếp; thực hiện tốt hơn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Mặt trận Tổ quốc phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến Nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng có đông đồng bào tôn giáo.

Các cấp uỷ đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm Nhân dân thực sự phát huy quyền làm chủ, được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

4. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận trong vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đảng phải dựa vào Nhân dân để tiến hành cuộc vận động đổi mới và chỉnh đốn Đảng, tổ chức cho Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, ý kiến nhận xét, phê bình cán bộ, đảng viên, nhận xét người mà Đảng dự kiến kết nạp và lựa chọn làm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thông qua đó tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với Mặt trận và Nhân dân. Mặt trận cần chú trọng xây dựng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và xã hội, tin tưởng vững chắc vào đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.

Cần làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp, góp phần làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân. Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn trong xây dựng và phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Cần lựa chọn các nội dung, vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề bất cập mà Nhân dân quan tâm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương để có những đề xuất, kiến nghị chính đáng, phù hợp với thực tiễn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên Nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội có kỷ cương, pháp luật, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của mình, của Nhân dân, báo chí và công luận. Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ánh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm", tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu Nhân dân; tích cực tham gia vào đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Mặt trận đồng hành với chính quyền các cấp trong xây dựng niềm tin và sự hài lòng của người dân đối với công tác quản trị, quản lý dân cư, quản lý xã hội trên địa bàn, thực sự phục vụ cuộc sống của Nhân dân.

5. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với Nhân dân, vì quyền lợi chính đáng của Nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở, sát địa bàn, sát dân. Tăng cường vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên. Chú trọng việc phối hợp với chính quyền bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các phương thức hoạt động như:

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

- Đoàn kết, hợp tác với các tổ chức hợp pháp của Nhân dân. Kết nạp, phát triển các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Phát huy tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo để thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Cần nghiên cứu đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động của Mặt trận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận có tâm huyết, trách nhiệm với công việc, có kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác vận động Nhân dân; đặc biệt là đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp. Phát huy tối đa vai trò các nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài, tạo ra thế và lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

6. Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Việc hàng đầu là tổ chức và cấp uỷ Đảng có quyết định thực hiện đúng đắn các nghị quyết của Trung ương và tổ chức Đảng cấp trên về công tác Mặt trận, các quyết định vận động từng đối tượng quần chúng nhân dân: công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Phải coi trọng khâu nhận thức, quán triệt và nhất là khâu tổ chức thực hiện nghị quyết.

Gắn công tác xây dựng Đảng với công tác Mặt trận; chi bộ, đảng viên phải làm công tác Mặt trận theo chức trách, nhiệm vụ của mình được phân công. Chi bộ phải giáo dục nâng cao năng lực, đạo đức và tính gương mẫu, tác phong gần gũi quần chúng nhân dân của cán bộ, đảng viên, gắn bó với dân, sát dân.

Cấp uỷ Đảng phải tăng cường và quan tâm kiện toàn, đổi mới đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, nhất là cán bộ chủ chốt của Mặt trận là cấp uỷ viên hoặc đảng viên phải là những người có năng lực, có uy tín và trưởng thành từ phong trào quần chúng. Đảng và các cấp uỷ Đảng cần có kế hoạch tổng thể về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, luân chuyển, sử dụng cán bộ Mặt trận trong tổng thể công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Cần có chính sách chăm lo để có cán bộ Mặt trận không chuyên trách, không biên chế làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở, địa bàn dân cư; phát huy người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác Mặt trận về công tác tự quản cộng đồng, công tác hoà giải. Chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới, chúng ta tin tưởng rằng, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tiếp tục có những đổi mới phương thức hoạt động năng động, sáng tạo, mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực, hiệu quả, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Nguồn: mattran.org.vn

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang