Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bảo Lâm nỗ lực giảm nghèo

Huyện Bảo Lâm triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới... Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thổ Dương Văn Tường cho biết: Yên Thổ là một trong những xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện có 1.065 hộ/5.079 nhân khẩu. Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, xã tập trung lồng ghép các nguồn vốn từ các CTMTQG giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới để triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giúp người dân được hỗ trợ cây, con giống, vay vốn với lãi suất ưu đãi phát triển các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, lợn đen, trồng hồi, quế… cho thu nhập khá. Nhờ vậy, hộ nghèo hằng năm giảm từ 5% trở lên, đến nay còn 415 hộ nghèo, chiếm 38,97%; 280 hộ cận nghèo, chiếm 26,3%.

Anh Giàng A Dia, dân tộc Mông thuộc diện hộ nghèo của xóm Lũng Liềm, xã Yên Thổ, 1 trong 26 hộ nghèo, cận nghèo của xã được hỗ trợ bò sinh sản thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng theo CTMTQG giảm nghèo bền vững chia sẻ: Gia đình tôi có 4 nhân khẩu với thu nhập chính từ làm ruộng nhưng đất canh tác ít nên thu nhập không cao. Tháng 9/2023, được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, trị giá trên 17 triệu đồng và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi rất phấn khởi. Từ nay, gia đình tôi có thêm động lực để phát triển nuôi bò, phấn đấu tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Với con bò sinh sản được hỗ trợ, gia đình tôi sẽ tập trung chăm sóc tốt, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững.

Phát triển chăn nuôi bò đem lại thu nhập cho người dân vùng cao huyện Bảo Lâm.
Phát triển chăn nuôi bò đem lại thu nhập cho người dân vùng cao huyện Bảo Lâm.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, huyện lồng ghép nguồn vốn  các CTMTQG đầu tư hơn 93,5 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở được quan tâm, đảm bảo đủ phẩm chất và năng lực. Chú trọng tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo hiểu về chủ trương giảm nghèo bền vững nhằm thay đổi, chuyển biến về nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của hộ nghèo. Phát huy vai trò của người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, ban công tác mặt trận,... tập trung phổ biến các cơ chế, chính sách, nhất là thủ tục vay vốn giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, lao động xuất khẩu, kinh nghiệm làm ăn, kiến thức về sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, huyện quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở. Huyện chủ động lồng ghép với các CTMTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021 đến nay đầu tư trên 292,1 tỷ đồng để phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, nước sạch, chuồng chăn nuôi hợp vệ sinh... Quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển sản xuất đối với các lĩnh vực thuộc thế mạnh của huyện, từng bước tạo việc làm ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn được triển khai hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, người dân chủ động hơn trong việc tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm để tăng thu nhập. Tranh thủ nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện hỗ trợ trên 26,2 tỷ đồng cho 703 hộ nghèo, gia đình khó khăn xây mới và sửa chữa nhà ở. Đến nay, 59% đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 125 xóm có đường ô tô, đạt 82%; 100% xã có điện lưới quốc gia với 52% hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn huyện có 9 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ I, 147/153 xóm có nhà văn hóa… Năm 2022, huyện giảm 6,82% hộ nghèo, vượt 36,4% kế hoạch. Người dân ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,9 triệu đồng/người/năm... 

Nguồn: baocaobang.vn

 
  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang