Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 10/6, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Cao Bằng, Hà Tĩnh, Đồng Nai thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) để khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế của luật hiện hành; đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội và quản lý dân cư, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

anh tin bai

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận tại tổ.

Cho ý kiến về nội dung Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Dự thảo Luật Căn cước công dân là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Đặc biệt, dự thảo luật mở rộng đối tượng áp dụng đối với “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch” là quy định mới và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, giúp các địa phương có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong cấp giấy tờ tùy thân cho người gốc Việt không có quốc tịch nhưng đang cư trú tại Việt Nam. Việc quy định như vậy sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân khi chưa xác định được quốc tịch, giúp họ ổn định cuộc sống.

Đại biểu cho biết, trong chuyến công tác thực tế giám sát cùng Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tại các tỉnh phía Nam có chung đường biên giới với Campuchia, mới thấy được thực trạng của người nước ngoài đang định cư tại Việt Nam mà bản thân họ không xác định được quê hương ở đâu, cũng không có giấy tờ tùy thân nào… Chính vì vậy, họ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận các vấn đề y tế, văn hóa, giáo dục…, điều này gây khó khăn cho các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, đảm bảo quyền con người. Trong các kiến nghị của địa phương đã đề nghị Chính phủ cần có những quy định cụ thể để địa phương có căn cứ pháp lý giải quyết vấn đề trên.

Đại biểu băn khoăn mặc dù tại Điều 7 của dự thảo luật có quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, khi nghiên cứu Điều 7 của dự thảo luật và nghị định kèm theo tại chương III, hiện nay đã có quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước nhưng chưa có điều khoản nào quy định liên quan đến việc chuyển đổi từ giấy chứng nhận căn cước sang cấp thẻ căn cước công dân, chưa có quy định về quy trình chuyển đổi như thế nào, giá trị sử dụng giấy chứng nhận căn cước thời hạn bao lâu. Do đó đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.

Đối với Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

anh tin bai

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Đình Việt phát biểu thảo luận tại tổ.

Góp ý đối với một số điều khoản cụ thể, đại biểu Việt trao đổi: Tại khoản 6, Điều 5 về đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin quy định: “Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin”. Theo đại biểu, “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” ở đây chưa rõ là cơ quan có thẩm quyền nào, có thể hiểu là cơ quan từ cấp xã trở lên đã có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp… Đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn để đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu cân nhắc việc duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam tại Điều 33. Đại biểu cho rằng, năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chuyên đề giám sát liên quan đến quỹ ngoài ngân sách, kết thúc chuyên đề giám sát đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận yêu cầu rà soát lại các loại quỹ với tinh thần “loại bỏ quỹ hoạt động không hiệu quả”. Trong hồ sơ của Chính phủ trình về quản lý và sử dụng quỹ có đánh giá “quỹ trong thời gian vừa qua chủ yếu dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông và thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ”, mà nhiệm vụ này trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Trong báo cáo tổng kết, thời gian quyết toán đầu tư liên quan đến cơ sở hạ tầng sử dụng từ quỹ dịch vụ công ích thường kéo dài và kinh phí giải ngân thấp, đặc biệt trong đó đánh giá cuối cùng nêu “hiệu quả sử dụng quỹ giai đoạn 2016 - 2020 chưa cao do mục tiêu đề ra của chương trình chưa phù hợp, việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn”. Đại biểu nhận định, mục tiêu đề ra của quỹ rất tốt, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chưa đạt được mục tiêu đó. Mặt khác, hoạt động của quỹ trong thời gian qua chưa hiệu quả, bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập đến nay chưa được giải quyết, đây là cơ sở để chúng ta cân nhắc, xem xét lại có nên xóa bỏ hay duy trì quỹ này. Đề nghị nếu Chính phủ vẫn duy trì quỹ cần phải có những bổ sung về các chế định cũng như cơ chế, chính sách để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng quỹ, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Nguồn: baocaobang.vn

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang