Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 1)

LTS: Những ngày này, mỗi người dân đất Việt đều nhớ về ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 - mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đối với những người lính từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ký ức về những ngày tháng "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" luôn khắc sâu không thể phai mờ. Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2024), 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), phóng viên Báo Cao Bằng đã gặp gỡ những cựu chiến binh hiện đang sinh sống ở Cao Bằng từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên năm xưa. Ghi lại những hồi ức, những kỷ niệm về năm tháng đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc, về một chiến thắng vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

 Cách đây 70 năm, theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, lớp lớp thanh niên trên khắp mọi miền của Tổ quốc hăng hái tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên một chiến thắng vang dội khắp năm châu. Chiến tranh đã lùi xa, nay cũng đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng với ông Nguyễn Tiến Pồn - ký ức về những trận đánh oanh liệt trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên và mỗi khi nhắc đến thì nhiệt huyết và tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” lại trào dâng mãnh liệt.

Con đường dẫn vào xóm Nà Mè, Thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An đổ bê tông phẳng phiu, sạch đẹp. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của chiến sỹ Điện Biên năm xưa Nguyễn Tiến Pồn nằm cạnh những khóm tre già xanh mát. Nghe tiếng gọi, ông ra tận ngõ đón chúng tôi với dáng đi nhanh nhẹn, trang phục là chiếc áo bông quân đội truyền thống. Và rồi câu chuyện giữa chúng tôi với người lính già đã bước sang tuổi 96 cứ kéo dài bất tận với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen.

        Tự hào khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Tiến Pồn trước căn nhà nhỏ của mình.
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Pồn trước căn nhà nhỏ của mình.

Ông Nguyễn Tiến Pồn sinh năm 1928; năm 1941, khi mới 13 tuổi, ông vinh dự được kết nạp vào Hội Nhi đồng cứu quốc; năm 1945, ông tham gia Mặt trận Việt Minh tỉnh… Đầu năm 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, biên chế Đại đội 824, Tiểu đoàn 381, thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 với nhiệm vụ chính là lái xe chuyển pháo tại khu vực phía Đông đồi A1.

Việc xuất hiện pháo cao xạ 37mm (pháo phòng không không quân) tại lòng chảo Điện Biên Phủ là điều bắt ngờ đối với thực dân Pháp, bởi những khẩu pháo này không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không Tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, để đưa được những khẩu pháo ấy vào mặt trận Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã phải trải qua vô vàn khó khăn bởi khẩu pháo nặng 2,4 tấn cùng nhiều phụ kiện như con xe, đạn dược. Quân ta dùng sức người để kéo pháo vào trận địa; từ pháo thủ, dân công, thanh niên xung phong, chúng tôi đều cùng nhau kéo pháo; con đường kéo pháo có đoạn dốc cao vời vợi, bên là vực sâu, tôi đánh xe lên phía trước kéo dây cáp và tất cả cùng kéo bằng tay. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định “Huy động lực lượng tại chỗ, kéo pháo vào trận địa bằng sức người, hành quân ban đêm, bảo đảm tuyệt mật”. Trời rét, đường kéo pháo nhiều đèo dốc, vực sâu thăm thẳm, đêm rừng tối đen, chúng tôi kiên cường kéo pháo, tất cả không ai chùn bước. Chúng tôi kéo cả đêm được 4 km, bắt đầu từ 18 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau mới đến địa điểm tập kết.

Trong gian khổ xuất hiện tấm gương quên mình cứu pháo của đồng chí Nguyễn Văn Chức, gương hy sinh của đồng chí Tô Vĩnh Diện ở cao xạ pháo đã truyền đi khắp tuyến đường kéo pháo, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi và được toàn mặt trận học tập noi theo, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Kéo pháo vào đã gian khổ nhưng kéo pháo ra còn khó khăn hơn, quân địch phát hiện ra đường kéo pháo của ta, chúng bắn xối xả cản đường kéo pháo, nhưng bộ đội ta dũng cảm vượt qua bom rơi, lửa đạn, quyết tâm đưa pháo ra, không ai lo lắng đến tính mạng của mình mà chỉ lo giữ gìn pháo an toàn.

Nhờ phối hợp chặt chẽ với các binh chủng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo cao xạ của quân ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc. Ánh mắt ông Phồn rực sáng khi kể về chiến công của đại đội khi lần đầu tiên bắn hạ 2 chiếc máy bay địch. Khi phát hiện 2 chiếc máy bay địch xuất hiện bay lượn trên bầu trời cứ điểm, chúng tôi dùng pháo 37 ly bắn hạ cả 2 chiếc; mục tiêu trúng đạn, máy bay địch rơi, chúng tôi đã ôm nhau vui mừng trong nước mắt, nhưng không dám reo hò vì đảm bảo bí mật để tiếp tục chiến đấu. Trong 2 ngày đầu của đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 7 máy bay Hen-đi-vơ và Hen-cát của địch. Kết thúc đợt 1 của chiến dịch, Trung đoàn 367 bắn rơi 14 máy bay địch các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác. Qua 55 ngày đêm chiến đấu, lực lượng phòng không, pháo binh, bộ binh ta đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Riêng Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác.

Đang vui vẻ hào hứng, giọng người cựu chiến binh già chợt nhỏ dần và trùng xuống khi nhắc đến các đồng đội của mình. Giữa bom rơi, lửa đạn, biết bao chàng trai trẻ đã ngã xuống để bảo vệ từng khẩu pháo, từng mét hào… Riêng xóm Nà Mè của ông có 12 người xung phong ra trận, nhưng khi trở về chỉ còn vài người, tất cả đã nằm xuống mảnh đất Điện Biên anh hùng, tô thắm cho màu cờ Tổ quốc và truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc.

Chiến dịch kết thúc, ông được phân công trở về thủ đô Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Hành trang mang theo là niềm tự hào khi được tham gia chiến dịch, là chiếc Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên và chiếc ca uống nước mang dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng”. Kỷ vật luôn được ông trân trọng và giữ gìn suốt bao năm tháng, tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, nhà bị cháy, phần thưởng quý giá đó đã không còn khiến ông vô cùng tiếc nuối.

Năm 1965, ông Pồn tiếp tục tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam; năm 1968, được điều động ra Bắc. Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, một lần nữa ông trực tiếp ra trận với tinh thần “Quyết chiến quyết thắng”, đã tiêu diệt 300 tên địch tại cuộc chiến này.

            Sáng mãi hào khí Điện Biên

Ông giới thiệu về các kỷ vật
Ông Nguyễn Tiến Pồn kể về các tấm huy chương.

Chiến tranh lùi xa, ông Pồn nhận công tác tại Huyện đội Hòa An với vai trò là Chính trị viên; đến tháng 2/1974, nghỉ hưu, hưởng chế độ tại quê nhà Nà Mè, huyện Hòa An. Trở về với đời thường, người cựu chiến binh cả một đời cống hiến trong quân ngũ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào tại địa phương; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, dạy bảo con cháu nỗ lực học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Anh Nguyễn Văn Bẩy, con trai của ông, xúc động khi nói về người cha thân yêu của mình: Từ nhỏ, tôi đã được nghe bố tôi kể về quãng thời gian ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; những khó khăn, gian khổ, sự kiên cường của ông và các đồng đội của mình luôn là tấm gương sáng, là động lực để chúng tôi trau dồi đạo đức, nỗ lực học tập và rèn luyện để xứng với truyền thống cách mạng của gia đình.

Trải qua bao cuộc chiến gian khổ, được trở về với gia đình, với quê hương nơi mình sinh ra đối với ông Pồn đó là một sự may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Năm nay đã bước vào tuổi 96 và có 64 năm tuổi Đảng, nhưng tinh thần quả cảm của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa vẫn luôn tràn đầy trong ông, để mỗi khi nhắc đến thì tinh thần đấy, hào khí đấy lại bừng sáng lên như một ngọn lửa.

Những Giấy khem Bằng khen được o
Giấy chứng nhận huân chương, huy chương... được ông Nguyễn Tiến Pồn giữ gìn cẩn thận.

Những tấm huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen đã ngả màu thời gian - phần thưởng cao quý trong quân ngũ luôn được ông cất kỹ như một kỷ vật thiêng liêng. Lật giở từng tờ chứng nhận Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Nhì, Huy chương Chiến sỹ giải phóng… ánh mắt người cựu chiến binh không giấu nổi niềm tự hào. Ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện, những kỷ niệm không bao giờ quên gắn với từng thành tích mà ông đạt được. Ông mong muốn thế hệ trẻ hôm nay, tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng của thế hệ cha ông, sống có lý tưởng, một lòng theo Đảng, sẵn sàng đi bất cứ đâu, có mặt ở những nơi gian khó khi Tổ quốc cần, chung tay vì công đồng, để trở thành những người chủ tương lai của nước nhà, đưa đất nước vươn lên một tầm cao mới, sánh vai với các cường quốc năm châu, xứng đáng với những thế hệ thanh niên đi trước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Theo Bí thư Đảng ủy Thị trấn Nước Hai (Hòa An) Nguyễn Thị Minh Hòa: Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Pồn là một trong những nhân chứng lịch sử, tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập tại địa phương. Chính quyền Thị trấn luôn phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện đầy đủ các chính sách, huy động các nguồn lực xã hội, chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công, đặc biệt là những người như cựu chiến binh Nguyễn Tiến Pồn.

Nguồn: baocaobang.vn
  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang