Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 37 nghìn điểm cầu trong cả nước với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Tham dự có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; báo cáo viên Trung ương đơn vị tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh; trưởng, phó các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; thường trực cấp uỷ và phụ trách Tuyên giáo, Tuyên huấn, Dân vận các đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Hội nghị được kết nối đến 242 điểm cầu với hơn 8.000 đại biểu tham dự.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết". Đồng chí Phạm Minh Chính cho biết: Điểm nổi bật của Nghị quyết số 68-NQ/TW trước hết là thay đổi trong quan điểm và nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trước đây, chúng ta xác định khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế, sau đó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế thì nay Nghị quyết số 68 đã có một bước tiến quan trọng khi khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Trong Nghị quyết số 68-NQ/TW, Bộ Chính trị đã khẳng định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh, được hưởng sự bình đẳng trong môi trường cạnh tranh. Doanh nghiệp tư nhân là đối tác để cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước. Nghị quyết đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện, đó là: Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu...

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin chuyên đề "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi trong Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết".

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết: Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết số 66-NQ/TW là xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo lập môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế. Theo đó, Nghị quyết đã quy định nhiều cơ chế đột phá, trong đó có tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách. Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng và phản biện chính sách. Việc này không chỉ giúp pháp luật sát thực tiễn hơn mà còn bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong tổ chức thi hành.

Nghị quyết đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo...

Kết luận Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW) là tư duy phát triển mới: Từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025-2030), đồng chí Tô Lâm đề nghị phải hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển. Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tích cực tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.

Về nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025, Tổng Bí thư chỉ đạo: Là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, trong khi mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn hai thập niên phía trước. Đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đó là: (1) Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết; (2) Khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW; (3) Khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (4) Tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại thế hệ mới; (5) Thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (6) Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết; (7) Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết; (8) Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Trước khi diễn ra hội nghị, các đại biểu tham quan triển lãm “Những thành tựu trong xây dựng và thi hành pháp luật"; "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân".

Nguồn: Tuyengiaocaobang.vn

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang