Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì.
Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban, sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.
Qua 5 năm thi hành Luật PCTN, công tác đấu tranh PCTN tại các bộ, ngành, địa phương được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành 583 nghị định, 617 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 389 quyết định, 27 chỉ thị. Các bộ, ngành, địa phương ban hành 71.796 văn bản; sửa đổi, bổ sung 3.642; bãi bỏ 833 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực, góp phần tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, minh bạch, hạn chế phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
5 năm qua, toàn ngành Thanh tra triển khai hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính; hơn 935.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế trên 658.300 tỷ đồng; hơn 28.300 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 559.000 tỷ đồng, hơn 5.500 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính gần 13.000 tập thể, gần 15.900 cá nhân…Cơ quan Điều tra Công an các cấp thụ lý điều tra 2.990 vụ án, với hơn 7.500 bị can phạm tội về tham nhũng; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý, kiểm sát giải quyết 3.510 nguồn tin về tham nhũng, chức vụ; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý, xét xử sơ thẩm gần 3.000 vụ án về các tội danh tham nhũng…
Tình trạng tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác PCTN được triển khai toàn diện, đồng bộ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, đại biểu tham luận các chuyên đề: Chủ trương chính sách và chỉ đạo của Trung ương trong công tác PCTN, tiêu cực; công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; công tác phát hiện khởi tố điều tra tội phạm tham nhũng của lực lượng Công an nhân dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật góp phần PCTN trong thời kỳ mới; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số nhằm phòng ngừa tham nhũng; thanh toán không dùng tiền mặt góp phần PCTN; vai trò của xã hội trong PCTN.
Đồng thời, thảo luận, đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện pháp luật về PCTN tại các bộ, ngành, địa phương và những hạn chế còn tồn tại. Đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác PCTN, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về PCTN, bảo đảm phù hợp với chủ trương, của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực trong tình hình mới.
Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh: Để PCTN, tiêu cực đạt hiệu quả cao là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đề nghị, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện tốt chương trình công tác và văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tiêu cực.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN; nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCTN để phát huy được tác dụng trong công tác phòng ngừa tham nhũng, nhất là quy định về công khai, minh bạch tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTN theo hướng mở rộng…
Nguồn: baocaobang.vn