Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
“Hồi sinh” vùng đất đau thương - Bài 1

"HỒI SINH" VÙNG ĐẤT ĐAU THƯƠNG - BÀI 1

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

Từ Thành phố Cao Bằng theo Quốc lộ 34 qua những cung đường quanh co, đèo dốc uốn lượn, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến sự tàn phá của thiên tai. Dù đã 4 tháng trôi qua, những dấu tích về sự khốc liệt của cơn bão số 3 vẫn hiển hiện trên nhiều bản làng, thôn xóm trên suốt chặng đường. Dọc hai bên đường là những vạt núi, vạt đồi nham nhở do sạt lở. Các xóm: Lũng Lỳ, Nguổi Ngọa, xã Ca Thành; Lũng Súng, xã Yên Lạc, những sườn đồi, thung lũng đỏ quạch phủ kín bùn đất khô nứt nẻ, xen lẫn là dấu tích còn sót lại những đống đổ nát của nhiều ngôi nhà bị nước lũ quét qua và sạt lở đất. Mấy tháng qua, từ sau khi cơn bão số 3 quét qua gây ngập lụt, sạt lở đất khiến nơi đây thiệt hại nặng nề, các lực lượng chức năng đã nỗ lực không ngừng khắc phục hậu quả mưa bão nhưng dọc quốc lộ 34, cùng nhiều tuyến đường của 2 huyện: Nguyên Bình và Bảo Lạc vẫn còn nhiều điểm bị sạt lở nặng.

anh tin bai
anh tin bai

 

Chứng kiến các xóm Lũng Lỳ, Lũng Súng bị vùi lấp bởi bùn đất, nhiều người run rẩy không thể đứng vững, không khí tang thương, ảm đạm bao trùm. Nhiều ngày trôi qua, nhưng thảm họa kinh hoàng ngày hôm đấy vẫn hằn sâu trong ký ức người dân Lũng Lỳ, Lũng Súng. Nhiều người mất chồng, mất vợ, mất con, mất cháu… thương hơn cả là những ánh mắt trẻ thơ tròn xoe ngơ ngác đã trở thành trẻ mồ côi chỉ trong chốc lát. 

anh tin bai

 

Anh Triệu Vần Phu, 21 tuổi, xóm Lũng Lỳ đã mất bố, mẹ và vợ trong trận sạt lở đất rạng sáng 9/9. Khuôn mặt sạm đen, đôi mắt thâm quầng nhìn xa xăm, anh cố ghìm nước mắt kể lại nỗi đau quá lớn mà anh phải chịu đựng. Anh may mắn thoát nạn khi đang làm công nhân ở ngoài tỉnh. Khi nhận tin ngôi nhà bị sập hoàn toàn do lở đất, anh vội vàng trở về nhưng do mưa bão phải 5 ngày sau mới đến nhà. Trước mắt, căn nhà yên ấm, thân thương đã bị vùi lấp hoàn toàn không còn dấu tích, người vợ thân yêu cũng bị đất đá vùi lấp, may mắn hai đứa con thoát nạn, anh ngã khụy, khóc không thành tiếng. Những ngày đầu mới xảy ra thiên tai, 3 bố con ở nhờ nhà người thân; tiếng khóc tìm mẹ của các con khiến anh đau đớn tột cùng. Trong bề bộn suy nghĩ, anh không thể hình dung cuộc sống sau này của anh và các con sẽ ra sao. Thiên tai đã cướp đi của anh quá nhiều. 

anh tin bai

“Bà không muốn ăn gì cả, ăn không thấy ngon, bà mất các con rồi” - Đó là những lời thốt lên khe khẽ, lẫn trong tiếng nấc của bà Triệu Mùi Lài, 48 tuổi, xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành. Bà nhớ về đêm xảy ra sạt lở đất, lúc gần 2 giờ, tất cả mọi người đều tháo chạy khi đất có dấu hiệu bị lở. Người già, trẻ con được nhanh chóng di dời ra khỏi nhà. Sau đó, con trai, con dâu bà và các thanh niên, trụ cột các gia đình khác trở lại nhà để tát nước, khơi thông nước, di dời tài sản. Gần 5 giờ, trong lúc mọi người đang dọn đồ đạc, những tiếng rung ầm ầm xuất hiện, đất đá từ trên núi cao tràn xuống làm con trai, con dâu bà và 7 người trong xóm không kịp chạy thoát.

Cháu Triệu Thị Phương, lớp 6, cháu nội bà Lài khóc nấc: Hôm đó bố mẹ bảo cháu với em chạy lên nhà người quen chỗ không bị sạt trú tạm. Bố mẹ ở lại để thông nước và lấy đồ đạc nhưng sau đó không kịp chạy nữa nên bố mẹ cháu mất rồi. Cháu và em nhớ bố mẹ lắm, đêm nào đi ngủ cũng mơ thấy bố mẹ. 

anh tin bai

Rạng sáng 9/9, ở xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc cũng xảy ra trận lở đất khiến 6 ngôi nhà sập hoàn toàn, 11 người thiệt mạng. Chị Triệu Mùi Dớt, xóm Lũng Súng vẫn chưa hết bàng hoàng. Sau những ngày điều trị ở bệnh viện về, chị không còn nhà để ở, bố mẹ chồng và đứa con nuôi bị đất vùi lấp. Nỗi đau quá lớn, chị kể: Nửa đêm, nhà chị chưa ai ngủ được vì mưa to bão bùng, chị bế đứa con mới sinh được 11 ngày. Bỗng đất rung ầm ầm, một tiếng nổ lớn phát ra, chị bế con chạy ra cửa nhưng đất lở quá nhanh, kèo cột nhà đè lên người, đứa bé cũng vụt khỏi tay chị. Chị cố vùng vẫy, hét to gọi chồng đến cứu, kéo được chị ra ngoài. Chị kêu khóc gọi chồng đi tìm con gái út. Một lúc sau, chồng chị tìm thấy con, đứa trẻ tím tái vì bị bùn đất bám đầy người. Chị và con được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đi điều trị ở bệnh viện.

 Không khí tang thương bao trùm những ngôi làng mà trước đó người dân còn cười nói vui vẻ giữa núi rừng bình yên. Đất trời như nặng nề hơn khi những tiếng khóc ai oán vang vọng giữa không gian tĩnh lặng đầy ám ảnh. Giao thông bị chia cắt, sóng điện thoại không có, mọi thứ ngổn ngang. Đau xót, quặn lòng hơn khi nhìn những thi thể được đưa ra từ những đám bùn đất, những tiếng khóc lặng, nấc nghẹn của người thân nạn nhân…

anh tin bai
anh tin bai
Nhà cửa, hoa màu của người dân Lũng Cắm, xã Huy Giáp (Bảo Lạc) ngập chìm trong biển nước. Ảnh chụp ngày 9/9/2024.
 Rời Lũng Lỳ, Lũng Súng, chúng tôi tiếp tục vượt qua các đoạn đường ngổn ngang đất đá và những dốc cao ngoằn ngoèo đến xóm Lũng Cắm, xã Huy Giáp nằm ở độ cao hơn 1.100 m. Huy Giáp là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bảo Lạc, nằm cách trung tâm huyện 42 km và cách Thành phố Cao Bằng khoảng 90 km. Tháng 9 vừa qua, cơn bão số 3 đã gây ngập lụt nặng khiến người dân nơi đây thiệt hại nặng nề, nhất là ở xóm Lũng Cắm với 63 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Sau trận ngập lụt lịch sử gần 4 tháng nhưng dấu vết của bùn đất, nước lũ vẫn còn bám trên ngọn cây, nóc nhà nhiều hộ dân bị ngập. Lũng Cắm là xóm được xem là thung lũng của xã, đa số là gia đình người dân tộc Mông sinh sống lâu đời, 100% hộ nghèo và cận nghèo. Theo các bậc cao niên trong xóm và chính quyền địa phương, từ trước tới nay, nơi đây chưa khi nào phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, đặc biệt là bão lũ. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã “càn quét” khu vực này, nước các nơi xối xả đổ về Lũng Cắm khiến 11 hộ gia đình bị nước ngập tới nóc nhà; tài sản và hoa màu bị thiệt hại nặng nề. 
anh tin bai
Trưởng xóm Lũng Cắm, xã Huy Giáp (Bảo Lạc) Thào A Quả chia sẻ: Người dân trong xóm là đồng bào dân tộc Mông sống lâu đời ở vùng cao này nhưng chưa bao giờ thấy mưa lớn như cơn bão số 3. Nhiều ngôi nhà ở lưng chừng núi cũng bị chìm trong biển nước khiến bà con phải chạy lên đỉnh núi. Sau khi mưa tạnh, nước ngập hơn 10 ngày thì rút, lúc này bà con mới dám về nhà nhưng do bị ngâm lâu trong nước nên nhà cửa, tài sản hư hỏng hết.
 Anh Thào A Thành, xóm Lũng Cắm, xã Huy Giáp kể: Trong cơn bão số 3, nhà tôi bị nước ngập tới nóc, may mà gia đình được chính quyền địa phương hỗ trợ sơ tán kịp thời nên không gây thiệt hại về người, tuy nhiên, căn nhà và mọi đồ đạc trong nhà đều hư hỏng nặng. Với căn nhà thiệt hại vừa qua, không biết tới khi nào mới xây dựng lại được.
anh tin bai

 

Trong đau thương, mất mát, sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội đã kịp thời chia sẻ, sưởi ấm, động viên những người dân đang trong cơn hoạn nạn. Tình cảm, sự quan tâm từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên khắp đất nước đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc giúp người dân vùng lũ đứng dậy. Từ Trung ương đến địa phương, các lực lượng cứu hộ ngay lập tức được huy động. 

anh tin bai

hứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thăm, trao quà hỗ trợ các gia đình bị thiên tai tại huyện Nguyên Bình.

Vượt qua những con đường sạt lở, ngập bùn đất khiến các thôn xóm bị cô lập, lực lượng bộ đội, công an, các tình nguyện viên và lực lượng tại chỗ đã không quản ngày đêm vượt mọi gian nan vào vùng sạt lở để tiếp cận từng nhà dân, đào bới từng nắm đất với hy vọng sớm tìm được người mất tích. Trong khó khăn chồng chất, tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam bừng sáng hơn bao giờ hết. Đó là nghĩa cử cao đẹp khi người dân san sẻ chỗ ở cho nhau, những nhu yếu phẩm từ mọi miền đất nước được gửi đến và trao tận tay đồng bào; các tổ chức xã hội cùng chung tay kêu gọi ủng hộ, tổ chức các chương trình giúp đỡ đồng bào vùng lũ.

anh tin bai

Mỗi người một tấm lòng, mọi sự đóng góp đã làm cho tình đồng bào gắn kết sâu đậm hơn, lòng người ấm áp hơn. Mưa lũ có thể cuốn trôi nhà cửa nhưng không thể cuốn đi tinh thần kiên cường, sự đoàn kết của dân tộc. Các cấp, ngành và người dân đất Việt đã cùng nhau viết nên câu chuyện về ý chí và hy vọng, biến đau thương thành động lực để xây dựng lại cuộc sống mới an toàn và tốt đẹp hơn trên những vùng đất khó.

Nguồn: baocaobang.vn

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang