Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phong tục cúng Tết của người Mông

Tết cổ truyền của đồng bào Mông thường diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng. Đây là thời điểm thu hoạch xong vụ mùa, mọi người đang nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Trong thời gian này, bà con làm lễ để thể hiện sự biết ơn, tôn kính với tổ tiên và ước mong một năm mới tốt đẹp hơn. Tết cổ truyền của người Mông hiện nay có nhiều thay đổi nhưng không thể thiếu các phong tục, nghi lễ mang đậm tính truyền thống dân tộc. 

Cúng Tết là một nghi lễ rất quan trọng đối với người Mông. Với quan niệm, cúng tết để cầu cho mưa thuận, gió hòa, gia đình sức khỏe, mùa màng bội thu, người Mông còn thờ cúng nông cụ thể hiện năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn. 

Trong đời sống tâm linh của người Mông, con gà đóng vai trò rất quan trọng, nên các nghi lễ của họ luôn có sự hiện hữu của con vật này, đặc biệt trong những ngày tết, người Mông sẽ làm lễ cúng tết con gà để làm vía, cầu bình an, phát đạt.

Ông Dương Văn Phong, một thầy cúng ở xóm Nà Pù, xã Nam Quang (Bảo Lâm) cho biết: Lễ cúng tết con gà của đồng bào Mông diễn ra từ ngày 27 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch). Trước khi cúng sẽ chọn 4 con gà để cúng hồn vía, cúng tổ tiên và cúng thần bếp. Mỗi nghi lễ cúng có cách bày biện đồ lễ khác nhau. 

Thầy cúng đọc bài cúng gọi thần linh về chứng giám, sau khi hoàn thành lễ cúng, gia chủ sẽ cắt giấy bản dán lên các dụng cụ lao động và để vào cạnh bàn thờ tổ tiên trong nhà.
Thầy cúng đọc bài cúng gọi thần linh về chứng giám, sau khi hoàn thành lễ cúng, gia chủ sẽ cắt giấy bản dán lên các dụng cụ lao động và để vào cạnh bàn thờ tổ tiên trong nhà.

Đầu tiên là cúng làm vía, gia chủ chọn 1 đôi gà gồm 1 gà trống và 1 gà mái còn sống, 1 bát gạo đầy được đặt lên ghế để ngay cửa chính của ngôi nhà, 2 con gà được 2 người cầm và đứng bên cạnh thầy cúng. Thầy cúng gọi vía rồi cầm nén hương chỉ vào đầu con gà đọc lời khấn. 

Sau khi cúng gà sống xong, gà được mang đi cắt tiết, mổ làm sạch và luộc nguyên con. Gà chín được đặt lên mâm và thêm một mâm cơm, bát nước luộc gà, 3 chén rượu cùng các đồ lễ trước đó, thầy cúng tiếp tục đọc lời khấn tổ tiên về chứng giám. 

Tiếp đó là đến cúng tổ tiên, gia đình chọn một con gà trống còn sống lông mượt, đẹp để cúng. Thầy cúng thay ống hương, giấy bản (là loại giấy tự làm của đồng bào, giấy được cắt bằng khổ giấy A4 và đục hoa văn) treo trên vách của gian giữa nhà. Lúc này, thầy cúng thông báo đến các vị thần tài - lộc và tổ tiên rằng năm cũ qua đi, năm mới đến gia chủ có con gà cúng mời các vị về chứng giám và phù hộ cho gia chủ làm ăn phát đạt, không bệnh tật. Sau đó, gà được cắt tiết và nhổ 3 nắm lông chấm tiết dán lên tờ giấy theo hình mắt, mũi của con người rồi đốt 3 nén hương. Gà sau khi cắt tiết được mổ và luộc nguyên con, gà chín được đặt lên mâm gồm: con gà, 1 chén rượu, thìa cơm, 1 bát nước luộc gà, 1 cái thìa, đôi đũa. Mâm được đặt phía dưới bàn thờ ở gian giữa nhà. Thầy cúng vừa khấn mời các vị thần, tổ tiên về ăn rồi cầm chén rượu đổ vào thìa cơm.

Cuối cùng là cúng thần bếp, 1 con gà trống đẹp được thầy cúng mang đến bên bếp và khấn. Thầy cúng khấn xin thần bếp phù hộ gia chủ làm ra của cải đầy nhà, bếp luôn đỏ lửa giữ ấm cho ngôi nhà… Sau khi hoàn tất các nghi lễ thờ cúng, gà được già làng, trưởng bản xem chân rồi mới mang đi chặt để toàn bộ thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng ăn bữa cơm đón mừng năm mới. Ý nghĩa của lễ cúng tết là cầu chúc cho các thành viên trong gia đình năm mới sức khỏe, bình an, công việc thuận lợi, phát đạt, chăn nuôi trâu, bò phát triển.

Người Mông quan niệm vạn vật tồn tại trong thế giới nhân sinh đều có hồn. Vì vậy, mỗi dịp tết đến, xuân về, mong muốn mời được tổ tiên, hồn thóc lúa, hồn vật nuôi, hồn nông cụ, hồn nước, hồn đất, những thứ gắn bó thường nhật với cuộc sống của mình cùng về ăn tết, cứ đến ngày 30 tết, họ lại tổ chức nghi lễ gọi hồn về ăn tết.

Để chuẩn bị cho nghi lễ gọi hồn về ăn tết, gia chủ cùng con cháu trong gia đình cắt giấy, dán giấy bùa và vẽ trứng để chuẩn bị làm lễ. Họ vẽ lên quả trứng làm lễ hình kho thóc, bồ thóc, con trâu, gà, vịt, đồng bạc, cây lanh, hình người để tượng trưng cho hồn lúa, vải chàm, con người, nông sản, tiền, gia súc, gia cầm… Chủ nhà làm lễ khấn gọi hồn về ăn tết với mâm lễ đơn giản gồm rổ gạo nếp, trứng đã vẽ và giấy bùa đặt ở gian chính giữa nhà. Sau khi khấn gọi hồn xong, gia chủ dán giấy bùa lên bàn thờ tổ tiên, cửa chính nhà ở để làm mới ngôi nhà cầu mong năm mới may mắn, thuận lợi.

Các thiếu nữ dân tộc Mông thêu váy áo chuẩn bị vui xuân.
Các thiếu nữ dân tộc Mông thêu váy áo chuẩn bị vui xuân.

Anh Đào Văn Nhân, xóm Nà Pù, xã Nam Quang (Bảo Lâm) chia sẻ: Phong tục thờ cúng tết của người Mông được truyền lại từ xa xưa. Chỉ có những ngày tết anh em trong gia đình mới có dịp quây quần đông đủ, vui chơi thoải mái và thực hiện những nghi lễ truyền thống cầu mong năm mới nhiều điều may mắn, thuận lợi. Con cháu trong nhà có dịp mặc quần áo mới và chơi các trò chơi dân gian, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

Cùng với các nghi lễ thờ cúng, các gia đình người Mông sẽ cắt giấy bản thành từng tờ để dán lên cột nhà và dụng cụ lao động như: dao, cuốc, xẻng… rồi đặt ngay ngắn vào sát vách ở gian giữa nhà. Quan niệm của người Mông là năm mới thay diện mạo mới cho ngôi nhà, gia chủ nghỉ ngơi đi chơi tết, 3 ngày sau mới được sử dụng các dụng cụ lao động.                     

Nguồn: baocaobang.vn
  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang