 |
Hát Hèo phưn được đồng bào dân tộc Nùng xã Phúc Sen (Quảng Uyên) gìn giữ qua nhiều thế hệ. |
GÌN GIỮ PHONG TỤC, TẬP QUÁN TỐT ĐẸP BẰNG QUY ƯỚC, HƯƠNG ƯỚC
Hương ước, quy ước là những quy định, những cam kết xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc xử sự do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận và đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của nhân dân, nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Hiểu được điều đó, trong những năm qua, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Trùng Khánh quan tâm chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng hương ước, quy ước của xóm, tổ dân phố, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện.
Đồng chí Mông Văn Lục, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Hiệu lực của hương ước, quy ước dựa vào thói quen, nếp sống của cộng đồng dân cư là sức mạnh có tính chất tâm lý nằm sâu trong tiềm thức của mọi người dân. Hương ước, quy ước có ý nghĩa giáo dục và động viên nhân dân rất lớn, làm cho quan hệ cộng đồng làng xóm không ngừng được củng cố mạnh mẽ, đồng thời điều chỉnh nghĩa vụ và các quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng dân cư. Do đó, hương ước, quy ước có ý nghĩa trong việc bổ sung cho pháp luật khi cần xử lý những vấn đề rất cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của cộng đồng dân cư. Mặt khác, nội dung của hương ước, quy ước là những nguyện vọng do nhân dân tự đặt ra, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân nên được toàn thể nhân dân tự giác thực hiện. Chính vì vậy, các hoạt động của cộng đồng dân cư trong xóm, làng, tổ dân phố trở nên nền nếp hơn. Xác định được tầm quan trọng của hương ước, quy ước, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát lại một số quy định không còn phù hợp trong hương ước, quy ước để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn trình UBND huyện xem xét phê duyệt để tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 231/231 làng, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước trình UBND huyện xem xét phê duyệt. Trong đó, có 8 xã biên giới với 108 xóm xây dựng hương ước bảo vệ và phát triển rừng.
HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC XÂY DỰNG NHÀ VĂN HÓA
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm Nhà văn hóa xóm Nà Pồng, chị Hoa, cán bộ của xã Lý Bôn (Bảo Lâm) cho biết: Hiện cả xã có 14/18 xóm có nhà văn hóa. Đối với nhà văn hóa 3 gian, Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, 5 gian được hỗ trợ 45 triệu đồng. Nhưng khi làm xong nhà văn hóa cũng phải trên 100 triệu đồng, tất cả số tiền còn lại đều do nhân dân đóng góp, chưa tính đất do nhân dân hiến. Có nhà văn hóa, nhân dân có nơi hội họp, phổ biến các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... Từ đó, góp phần thúc đẩy KT - XH ở địa phương, nhất là thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Được biết, không riêng xã Lý Bôn, hầu hết các xã, thị trấn của huyện Bảo Lâm đều biết vận dụng và phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng, các tổ chức xã hội ủng hộ để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là nhà văn hóa thôn, xóm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến hết năm 2014, toàn huyện Bảo Lâm có 140/196 xóm, khu dân cư có nhà văn hóa, đạt 71,4%, tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, trong đó, nhân dân, các tổ chức đóng góp gần 3 tỷ đồng. Riêng năm 2014, huyện làm được 27 nhà văn hóa, vượt chỉ tiêu giao 13 nhà. Trong đó, 14 nhà sử dụng nguồn tăng thu của huyện và nguồn xã hội hóa từ nhân dân, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huy động từ các nguồn lực khác, như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng 1 nhà và nguồn vốn từ Dự án PSARD xây dựng 12 nhà.
VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN ĐƯA GIA SÚC RA KHỎI GẦM SÀN NHÀ Ở
Đào Ngạn là xã vùng đồng của huyện Hà Quảng, được chọn là xã điểm xây dựng mô hình thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, nhất là Chỉ thị số 04-CT/HU, ngày
20/3/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Quảng về việc di chuyển chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sản nhà ở, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Đào Ngạn hết sức quan tâm việc thực hiện di chuyển chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà gắn với tiêu chí số 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện có hiệu quả. Đảng ủy xã đã triển khai, chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở các thôn, xóm thực hiện có hiệu quả việc lãnh đạo, chỉ đạo di chuyển chuồng trại và ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ cơ sở, có giải pháp cụ thể với phương châm: cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu. Gắn chặt việc đưa chuồng trại với việc xây dựng và bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, Làng văn hóa hằng năm trên địa bàn xã. Đồng thời, phân công các cán bộ chuyên môn phụ trách các thôn, xóm tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết thực hiện. Qua đó, 9/9 thôn, bản đưa nội dung vào hương ước, quy ước của khu dân cư; UBND xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động và xây dựng kế hoạch hằng năm đặt chỉ tiêu 50% hộ có trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở phải di dời. Đến nay, xã có 634 con trâu, bò đã đưa ra khỏi gầm sàn nhà ở, đạt 100% hộ của xã. Từ những kết quả đã đạt được, ý thức vệ sinh môi trường của bà con được nâng lên, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tạo tiền đề cho xã thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
GÌN GIỮ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA DÂN TỘC
Trong những năm qua, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đảng bộ và chính quyền xã Phúc Sen (Quảng Uyên) thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây còn làm thêm nhiều nghề thủ công truyền thống để phục vụ nhu cầu sinh hoại thường ngày, đồng thời, tăng thêm thu nhập, như: nghề đan lát, dệt nhuộm vải, khai thác vật liệu xây dựng… Đặc biệt là nghề rèn đúc nông cụ cầm tay. Đồng chí Linh Văn Phù, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen chia sẻ: Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, đời sống văn hoá của các dân tộc Cao Bằng nói chung ít nhiều bị xáo trộn, nhưng người Nùng An ở Phúc Sen vẫn gìn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Đây là một nét riêng biệt độc đáo của người Nùng An, không lẫn với dân tộc nào khác. Trong truyền thống văn hoá vật chất của người Nùng An ở Phúc Sen, điều đáng chú ý là việc gìn giữ, bảo lưu bộ trang phục dân tộc. Giống như các dân tộc Tày, Nùng khác, trang phục của người Nùng An rất giản dị và chân phương, được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ loại vải chàm do người dân tự tay làm nên. Điều đáng nói là hiện nay người dân Phúc Sen vẫn thường xuyên mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, từ người già đến con trẻ, từ phụ nữ đến nam giới đều mặc trang phục dân tộc màu chàm.
Bên cạnh những nét đẹp của văn hoá vật chất, người dân Nùng An còn gìn giữ và phát huy những nét đẹp của văn hoá tinh thần. Trước hết, phải nói đến các thể loại hát dân ca mà đặc biệt là điệu hát Hèo phưn (nghĩa là gọi hát - gọi bạn cùng hát). Đây là thể hát đối đáp thường là giữa nam và nữ, mỗi bên nam nữ đều có 2 người, một người hát giọng thanh, một người hát giọng trầm được hòa quyện vào nhau thật dập dìu, tình tứ.
Với việc gìn giữ được những nét văn hóa dân tộc mình không những góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân mà quan trọng hơn là rèn luyện cho con cháu trong gia đình ý thức lao động cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, xây dựng xóm làng ngày một phát triển, văn minh.
Với mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thời gian qua, mỗi đơn vị, địa phương đều có những cách làm riêng, cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu, triển khai sâu rộng trong nhân dân, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Năm 2014, toàn tỉnh có 92.355 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, bằng 79%; 1.223/2.480 xóm, tổ dân phố, 1.693/1.873 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa. |