Khoa học và công nghệ (KH&CN) và giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển KT - XH và bảo vệ Tổ quốc. Đối với Cao Bằng, tỉnh miền núi, biên giới còn nghèo, việc phát huy vai trò KH&CN càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong quá trình phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hoạt động KH&CN của tỉnh đã và đang được gắn kết ngày càng chặt chẽ với công tác quản lý KT - XH, chú trọng tới tính hiệu quả, hướng tới doanh nghiệp, thị trường và khẳng định được vai trò trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng KH&CN mới như: công nghê thông tin, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, sinh học, vật liệu mới, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có thế mạnh của tỉnh…; khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh; nâng cao quyền chủ động về tài chính, lao động trong hoạt động KH&CN; đề cao trách nhiệm giữa nghiên cứu với kết quả hoạt động nghiên cứu; nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
 |
Các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá giống lê vàng địa phương. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, bảo quản và chế biến, Cao Bằng đã thực hiện thành công việc nâng cao hệ số sử dụng đất từ 1,3 lần (năm 2005) lên 1,8 lần (năm 2010); tiếp tục nghiên cứu xác định thế mạnh của tỉnh, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc tính sinh thái của từng loại cây để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hình thành và mở rộng diện tích trồng thuốc lá, đến nay đã đạt trên 4.000 ha, đậu tương 10.000 ha, vùng trúc sào 3.000 ha, mía đường 4.500 ha và vùng hồi 5.000 ha; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, khai thác tốt diện tích triền núi đá, đất dốc, để phát triển các loại cây bản địa như: mác mật, dạ hiến, cây lấy gỗ, cây ăn quả... Phục tráng và phát triển các giống cây trồng đặc sản của địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá như: cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh, lê Thạch An, lê Bảo Lạc, lê Nguyên Bình, lúa nếp hương Bảo Lạc và Pì Pất Cao Bằng, đậu xanh, dạ hiến. Đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi như: Sản xuất giống cá rô phi đơn tính; chuyển giao thành công công nghệ sản xuất giống cá chép lai 2, 3 máu; nghiên cứu phát triển giống cá tầm Nga (cá nước lạnh) và ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn thịt.
Hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp đã đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tỷ lệ giống mới đưa vào sản xuất tăng cao, giống thuốc lá mới đã đạt 100% diện tích, các giống lúa mới cho năng suất cao đạt 30% diện tích, các giống ngô mới đạt 80% diện tích. Trong chăn nuôi, ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong việc phát triển đàn lợn, chương trình cải tạo, phát triển đàn bò của tỉnh theo hướng sin hoá đã đem lại nhiều kết quả tốt, bước đầu cải thiện thể trạng tầm vóc đàn bò trong tỉnh. Tập trung nghiên cứu phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, từ năm 2005 đến nay, hoạt động KH&CN tỉnh đã tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ chế biến để đưa ra các sản phẩm mới có thế mạnh của tỉnh. 70% các đề tài, dự án đã thực hiện hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, như trà Giảo cổ lam, các loại chè xanh chất lượng cao như: chè xanh thơm, chè Mao Tiêm, chè Ôlong, chè sợi, hồng trà, chè Đông phương mỹ nhân... Các sản phẩm: ván ép, phân bón tổng hợp; sắt xốp..., từng bước khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nông thôn.
Trong điều kiện nền kinh tế hội nhập ngày sâu rộng, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Qua đó, góp phần tháo gỡ những vướng mắc của các nhà quản lý, doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh và nâng cao năng lực trong việc thẩm định thiết bị công nghệ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, đảm bảo theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với địa phương. Vì vậy, đa số các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT - XH của địa phương, như: công nghệ luyện than cốc, luyện kim, khai thác, chế biến khoáng sản, công nghệ sản xuất ván ép, thuỷ điện nhỏ,…
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục và y tế, qua hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần giải quyết các vấn đề KT - XH của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, duy trì ổn định an ninh trật tự, cung cấp luận cứ cho xây dựng chính sách phát triển KT - XH của địa phương. Việc nghiên cứu giải quyết vấn đề dân tộc thiểu số ít người, nghiên cứu từng vùng miền trong tỉnh đã được đặc biệt quan tâm, thể hiện qua các đề tài: Sưu tầm các văn bản chữ Nôm Tày ở Cao Bằng; Xây dựng và đưa các làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng vào giảng dạy; các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng; nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Cao Bằng.
Nghiên cứu về lịch sử đã có những đóng góp quan trọng, làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử Cao Bằng qua các thời kỳ, đã xác định được ngày thành lập tỉnh Cao Bằng, là cơ sở cho tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 510 năm thành lập tỉnh Cao Bằng trong năm 2009. Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về văn hóa, như: Nghiên cứu, phục dựng Lễ hội Pháo hoa truyền thống huyện Quảng Uyên; Nghiên cứu thời tiền sử Cao Bằng qua các di chỉ khảo cổ; sưu tầm, khôi phục, nâng cao Lễ hội Nàng Hai, xóm Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An; nghiên cứu, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ người Dao đỏ, người Sán Chỉ; bảo tồn - tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích lịch sử Pác Bó; lập hồ sơ Di sản Then Tày..., góp phần quan trọng bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Công tác nghiên cứu trong y dược, đã tiến hành điều tra một số loài nấm độc, thực vật độc trên phạm vi toàn tỉnh để có được thông tin đây đủ và tuyên truyền nhằm phòng tránh, hạn chế với mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc; duy trì bài thuốc nam trong điều trị bệnh rong kinh cơ năng; thực hiện chuyên đề khoa học thử nghiệm tác dụng của cây Cửu lý hương trong điều trị các chứng đau, đã thử nghiệm lâm sàng và có kết quả khả quan; hoàn thiện quy trình công nghệ về chế biến sản xuất sản phẩm từ cây Hà thủ ô; hoàn thiện mô hình trồng và chế biến cây dược liệu Ba kích, Bạch Truật và Đương Quy..., góp phần duy trì và phát triển y học cổ truyền dân tộc của tỉnh.
KH&CN của tỉnh tuy đã có bước phát triển nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế, chưa thực sự là vai trò chính trong việc khai thác, gìn giữ và phát triển các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; KH&CN chưa đáp ứng tốt yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chưa trở thành động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển KT - XH. Chất lượng đội ngũ cán bộ KH&CN nhìn chung còn thấp, thiếu những cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực mũi nhọn để phát triển KT - XH của tỉnh; hệ thống quản lý KH&CN cấp cơ sở chưa hoàn thiện. Kinh phí đầu tư cho KH&CN còn dàn trải, chưa tập trung giải quyết những vấn đề công nghệ trọng điểm, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN hằng năm thấp hơn 1% so với tổng chi ngân sách của tỉnh, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Quá trình đầu tư phát triển và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến còn chậm nên chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện. Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu chưa gắn với thực tiễn, chưa có công trình khoa học chất lượng cao; thị trường KH&CN mới bước đầu hình thành. Cơ sở vật chất của các trung tâm, phòng thí nghiệm, thử nghiệm chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN.
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của KH&CN trong sự nghiệp phát triển KT - XH của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN đáp ứng tốt yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn theo hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu và định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN của tỉnh trong từng giai đoạn. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN, phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN. Phấn đấu đưa mức đầu tư cho KH&CN đạt 2% tổng chi ngân sách của tỉnh vào năm 2020 theo chỉ đạo của Trung ương. Khắc phục tình trạng đầu tư cho KH&CN dàn trải, kém hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt cơ chế đặt hàng để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đổi mới công nghệ, quỹ phát triển KH&CN. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông, lâm sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KH&CN nhằm phát triển trồng và chế biến cây dược liệu quý hiếm trên địa bàn. Tăng tỉ trọng đóng góp của KH&CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao mức tăng trưởng KT - XH của tỉnh. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại và tạo lập thị trường đối với sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh. Chú trọng đến vai trò chuyển giao công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản; thực hiện liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) giúp nông dân được tiếp cận với những giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến vào ứng dụng trong các lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp cơ khí, điện tử; bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, chế biến lâm sản, chế biến dược liệu, bảo vệ môi trường sinh thái... Tăng cường áp dụng các quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương nhằm chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến phát triển KT - XH, quốc phòng - an ninh. Hình thành mạng lưới thông tin KH&CN hiện đại, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quảng bá thông tin KH&CN, phổ biến kiến thức KH&CN, nhằm ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống. Mở rộng các mối quan hệ, liên kết nghiên cứu, phát triển KH&CN trong và ngoài nước. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN với các Viện nghiên cứu của Trung ương, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.