Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
PHÁT BIỂU CỦA ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH UBTW MTTQ VIỆT NAM NGUYỄN THIỆN NHÂN, TẠI BUỔI GẶP MẶT KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 – 07/5/2014)

Kính thưa các cụ, các vị, các đồng chí !.

Hoà chung không khí của cả nước kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ(07/5/1954 – 07/5/2014); hôm nay, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và các cụ, các vị nguyên là cán bộ Mặt trận Liên Việt, hình thức tổ chức của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam giai đoạn 1951-1954. 

Kính thưa các cụ, các vị, các đồng chí !.

Hoà chung không khí của cả nước kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ(07/5/1954 – 07/5/2014); hôm nay, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và các cụ, các vị nguyên là cán bộ Mặt trận Liên Việt, hình thức tổ chức của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam giai đoạn 1951-1954. Thay mặt Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn các cụ, các vị, các đồng chí đã về dự buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này.

Thưa các cụ, các vị, các đồng chí !

Cách đây 60 năm, đúng 17h ngày 13/3/1954, đại đội pháo 806 bắn những loạt đạn đầu tiên vào trung tâm đề kháng Him Lam của giặc Pháp, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua "...56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, Máu trộn bùn non, Gan không núng, Chí không mòn!...", qua 3 đợt tấn công, đến 17h30 ngày 7/5/1954, sau những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch, Tướng Đờ-cat-tơ-ri và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống, ngọn cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ-cat-tơ-ri, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. Quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”; là kết quả tổng hợp của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Tại buổi gặp mặt hôm nay, chúng ta tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; chúng ta ghi nhớ công ơn của hàng vạn chiến sỹ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu, sức lực cho chiến dịch toàn thắng.

Chúng ta mãi mãi ghi nhận và trân trọng công sức của đồng bào trong cả nước, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, khu III, khu IV đã đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch.

Thưa các cụ, các vị, các đồng chí !

Một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ chính là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã gắn liền với vai trò tập hợp, đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, ở thời điểm này là Mặt trận Liên Việt.

Năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn Tổng phản công. Đáp ứng yêu cầu cấp bách đặt ra của cách mạng nước ta lúc đó là thực hiện cho được “Một dân tộc, một Mặt trận” để phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc cho công cuộc kháng chiến, Mặt trận Liên Việt đã ra đời trên cơ sở thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) tại Đại hội toàn quốc thống nhất hai Mặt trận vào ngày 07/3/1951 ở tỉnh Tuyên Quang. Với mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhiệm vụ của Mặt trận Liên Việt là đoàn kết các tầng lớp nhân dân, lấy công-nông làm nền tảng để kháng chiến, kiến quốc; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; vừa kháng chiến, vừa cải thiện dân sinh; kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế đúng đắn; gắn kháng chiến của Việt Nam với phong trào bảo vệ hoà bình thế giới; vận động tất cả các ngành, các giới nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, “… tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và góp sức cùng nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình lâu dài”.

Để góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, động viên khí thế cách mạng của nông dân, tăng cường liên minh công nông để bộ đội yên tâm chiến đấu ngoài chiến trường, theo chủ trương của Đảng, Mặt trận Liên Việt một mặt tích cực tham gia phát động nông dân đấu tranh giảm tô, giảm tức và thực hiện cải cách ruộng đất; mặt khác, thực hiện những chính sách và biện pháp cụ thể để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nhà tư sản, các nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước, triệt để phân hoá giai cấp địa chủ, ổn định tư tưởng và đoàn kết những địa chủ kháng chiến cùng con em họ tham gia công tác ở hậu phương hay đang chiến đấu ngoài tiền tuyến.

Trươc âm mưu thâm độc của giặc Pháp thực hiện sức mạnh chiến tranh quân sự kết hợp với chiến tranh tâm lý: Song song với việc dùng quân sự để đánh phá ác liệt vào vùng tự do, vùng giải phóng, thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp, mua chuộc, chia rẽ lương giáo, gây mâu thuẫn giữa các tôn giáo, chia rẽ và gây hận thù giữa các dân tộc, thành lập cái gọi là “xứ tự trị” của người Mường, người Thái, người Nùng; dụ dỗ trí thức bỏ vùng tự do về vùng tạm chiếm do địch kiểm soát. Mặt trận Liên Việt đã tuyên truyền, vận động các giới đồng bào tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau khắc phục những khó khăn, thực hành tốt các chính sách của Nhà nước, thực hiện cuộc vận động 3 không “không nghe, không tin, không theo địch” quyết đập tan mọi hành động tàn bạo và âm mưu thâm độc của địch. Các “hội tương tế, ái hữu”; các hội “Cứu quốc”, đoàn thể và các tổ chức thành viên của Mặt trận Liên Việt đã tập hợp, đoàn kết, giác ngộ và tổ chức các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo và mọi cá nhân yêu nước trong nhân dân để hình thành và phát triển lực lượng cách mạng rộng lớn thực hiện nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên mặt trận đối ngoại, mặc dầu trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là điều kiện tài chính, Mặt trận Liên Việt đã chủ động và tích cực tham gia các hội nghị quốc tế, qua đó có điều kiện tiếp xúc với đại diện nhân dân thế giới, các tổ chức dân chủ, nhất là các đoàn thể dân chủ, hoà bình và tiến bộ Pháp, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.

Hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và lời kêu gọi của Mặt trận, nhân dân khắp nơi trên cả nước đặc biệt là vùng kháng chiến và  các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, khu III, Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn chồng chất, đóng góp 23.055 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn thức ăn khô, 62,7 tấn đường, 266 tấn muối và huy động 261.453 dân công, 20.991 xe đạp thồ, 7.000 xe cút-kít, 325 xe ngựa, 1.800 xe trâu bò, 914 ngựa thồ và 11.800 chiếc thuyền để phục vụ chiến dịch; động viên con em hăng hái gia nhập vào các đoàn quân ra trận bằng tinh thần chiến đấu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của những người trực tiếp tham gia Chiến dịch. Tất cả đã tạo nên sức mạnh vô địch làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, giải phóng một nửa đất nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Thưa các cụ, các vị, các đồng chí !

Do điều kiện không cho phép, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không tổ chức gặp mặt được tất cả những cựu chiến binh, những cựu thanh niên xung phong và những người làm công tác Mặt trận thời kỳ Mặt trận Liên Việt. Hôm nay, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức gặp mặt 60 đồng chí là những nhân chứng lịch sử của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Điện biên phủ và 30 đồng chí đại diện lực lượng Cựu thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến cùng đại diện những người làm công tác Mặt trận trong thời kỳ Mặt trận Liên Việt để cùng nhau ôn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc; là dịp để chúng ta khẳng định niềm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng.

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn sự đóng góp to lớn, trực tiếp của các đồng chí cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và các cụ, các vị là cán bộ Mặt trận Liên Việt, trong đó có 60 cựu chiến binh, 30 cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và một số cụ nguyên là cán bộ Mặt trận Liên Việt đã về tham dự buổi gặp mặt đầy ý nghĩa hôm nay. Xin kính chúc các cụ, các vị, các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và mãi là tấm gương yêu nước, sáng tạo, kiên cường cho các thế hệ trẻ hơn. UBTW MTTQ Việt Nam xin hứa sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để không ngừng xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

- Tinh thần Điện Biên Phủ muôn năm.

- Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của dân tộc Việt Nam.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe các đồng chí, các cụ, các vị.

Theo mattran.org.vn

 

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang