Ngày 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết Quy chế phối hợp công tác năm 2016, trọng tâm phối hợp công tác năm 2017. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng các vị trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, trong năm 2016, sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trong công tác bầu cử và việc xây dựng các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến đóng góp của Đoàn Chủ tịch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và phản hồi. Các vị Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia trách nhiệm, tích cực các hoạt động, ngày lễ lớn, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, phát động, tạo nếp sinh hoạt thường xuyên giữa hai bên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và MTTQ Việt Nam đã phối hợp hiệu quả trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
“Sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và rất chủ động từ cả 2 phía trong công tác bầu cử năm 2016 đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Duy Thường – Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thẳng thắn đánh giá sự phối hợp giữa hai bên còn hạn chế như việc trả lời ý kiến, kiến nghị khiếu nại của cử tri vẫn là khâu yếu, phản hồi thông tin còn rất hạn hẹp.
“Qua tổng kết mới có 1/3 các ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời. Đây là con số rất hạn hẹp, đề nghị Nhà nước cần ban hành cơ chế trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam”, ông Thường đề nghị.
Bên cạnh đó ông Thường cũng đề nghị đổi mới, mở rộng các kênh tập hợp ý kiến, kiến nghị tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp, các giai tầng, các Dân tộc, Tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị
Trưởng ban Dân nguyện – UBTV Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng sự phối hợp trong việc tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri giữa hai cơ quan trong thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ.
Theo bà Hải việc giám sát và giải quyết kiến nghị của cử tri hiện nay mới chỉ có quy định giải quyết những kiến nghị của cử tri chỉ được thực hiện tại các cuộc tiếp xúc cử tri và các kiến nghị này sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc giám sát này có quy trình đầy đủ, sau khi ban Dân nguyện tập hợp các kiến nghị và gửi lên các bộ, ban ngành thì đều được trả lời đúng thời hạn.
Tuy nhiên theo bà Hải hiện mới chỉ có 30% kết quả kiến nghị của cử tri được giải quyết, chính vì vậy trong thời gian tới hai cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri để đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, ba điểm chung được ký kết giữa Quốc hội và Mặt trận là cùng đại diện cho tiếng nói của nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tham gia vai trò giám sát và phản biện.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, Mặt trận và Quốc hội đều thực hiện đồng bộ nhưng hai cơ quan vẫn chưa có một cuộc họp thảo luận sâu về việc tập hợp ý kiến kiến nghị của nhân dân, về các vấn đề nhân dân quan tâm liên quan chính sách kinh tế, chính sách xã hội trước khi công bố ý kiến kiến nghị của cử tri ra trước Quốc hội.
“Kỳ họp Quốc hội tới, Mặt trận và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một cuộc họp thảo luận sâu về những vấn đề nhân dân phản ánh đồng thời chọn vấn đề tiêu biểu đeo bám đến cùng để giám sát việc trả lời ý kiến phản ánh của nhân dân”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Đối với việc xử lý ý kiến cử tri, nhân dân, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trả lời ý kiến của cử tri được luật pháp quy định nhưng trả lời ý kiến của nhân dân chưa được đề cập trong luật, chính vì vậy sắp tới khi sửa đổi bổ sung, hướng dẫn điều 27, 34 của Luật Mặt trận về giám sát, phản biện có thể đưa nội dung trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc trả lời ý kiến của nhân dân mà cơ quan Mặt trận tiếp thu.

“Hai bên sẽ có tổ công tác nghiên cứu sâu các văn bản hiện nay quy định ý kiến của nhân dân gửi đến chính quyền các cấp và Quốc hội hiện nay thì được trả lời như thế nào”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, MTTQ Việt Nam đã có kiến nghị với Chính phủ việc các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp sau khi thanh tra chương trình công tác của mình thì phải công khai hóa kết quả thanh tra, kết luận thanh tra. Trên cơ sở đó, Mặt trận cùng cơ quan tổ chức thành viên và báo chí thực hiện giám sát kết quả thanh tra được công bố.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định trong năm 2017, Mặt trận sẽ cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phối hợp trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh qua việc hoàn thiện Luật về hội, để đưa Luật về Hội được thông qua, đồng thời xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định điều 16, điều 27, 34 của Luật MTTQ Việt Nam về giám sát phản biện xã hội, tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trong năm 2016 việc phối hợp công tác giữa hai cơ quan không chỉ ở trong phạm vi quy chế gắn với công việc nhiệm vụ chính trị của mỗi bên mà nó trở thành thông lệ hàng năm.
Trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, hai bên đã phối hợp rất chặt chẽ, thường xuyên, tích cực trong việc tham gia xây dựng đề án, cử đại diện tham gia Hội đồng bầu cử quốc gia, ban hành các văn bản có liên quan đến công tác bầu cử, hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp.
“Kết quả trên 99% cử tri đi bầu, thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân, tiến hành bầu cử an toàn, hiệu quả, đúng luật.” Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.
Trong công tác xây dựng pháp luật, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành lấy ý kiến nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp phản biện của MTTQ Việt Nam về những dự án luật, bộ luật quan trọng như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo dù còn ý kiến khác nhau nhưng sau khi lắng nghe tiếp thu những ý kiến phản biện đã được Quốc hội thông qua.

“Luật về Hội hiện nay chưa thông qua nên sắp tới hai cơ quan cần phối hợp chặt chẽ. Luật về Hội là luật rất quan trọng vì các thành viên của Mặt trận đều là đối tượng điều chỉnh của luật này do đó đề nghị hai cơ quan cùng làm việc với nhau có những cuộc làm việc để trình ra Quốc hội luật về Hội đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với thực tiễn.” Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo hướng dẫn các đoàn Đại biểu Quốc hội, Uỷ ban MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri theo hướng hiệu quả, chất lượng hơn. Cùng với đó trong việc xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội hai bên cần phối hợp chặt chẽ và kịp thời trong việc thực hiện các chương trình giám sát tối cao, giám sát chuyên đề…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phối hợp giữa hai cơ quan còn một số hạn chế nhất định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai cơ quan cần nhận dạng rõ các vấn đề để từ đó đổi mới nâng cao chất lượng phối hợp giữa hai bên.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai cơ quan quan tâm thực hiện tốt hơn chức năng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với công tác xây dựng pháp luật.
“Vai trò của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật rất là quan trọng vì đây là tiếng nói của dân, tâm tư tình cảm nguyện vọng của dân. Hai cơ quan cần phối hợp làm sao để chức năng phản biện xã hội của Mặt trận được thực hiện đúng pháp luật”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị hai cơ quan tiếp tục phối hợp xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn điều 16, 27, 34 Luật MTTQ Việt Nam. Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn trong việc đổi mới nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, phối hợp chỉ đạo Văn phòng Quốc hội và Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết 13 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai bên, quan tâm nhiều hơn đến việc tổng hợp báo cáo kiến nghị cử tri.
“Trước kỳ họp Quốc hội sắp tới hai cơ quan quan tâm nhiều hơn đến báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri sẽ trình bày trong phiên khai mạc Quốc hội và có thể coi đây là cơ sở để chọn vấn đề chất vấn tại kỳ họp.”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân gợi mở.
Với kết quả đạt được trong thời gian qua cùng với những cải tiến đổi mới đang thực hiện Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng trong năm 2017 sự phối hợp công tác giữa Ủy ban TVQH và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có bước phát triển mới góp phần thiết thực thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã giao.
Nguồn: MTTW
|