Lễ Ký Kết Chương Trình Phối Hợp Giám Sát Và Nâng Cao Hiệu Quả Giải Quyết Khiếu Nại Tố Cáo Ở Cơ Sở.

Ngày 11/3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn luật sư và Thanh tra tỉnh tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở. Tham dự Lễ ký kết có đại diện Lãnh đạo Ban Dân vận, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; Lãnh đạo và bộ phận tham mưu các đơn vị tham gia Chương trình phối hợp.
Ngày 11/3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn luật sư và Thanh tra tỉnh tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở. Tham dự Lễ ký kết có đại diện Lãnh đạo Ban Dân vận, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; Lãnh đạo và bộ phận tham mưu các đơn vị tham gia Chương trình phối hợp.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và các đơn vị ký kết chương trình phối hợp công tác
Mục đích, yêu cầu của Chương trình phối hợp là nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại tố cáo, hòa giải cơ sở; triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ chính đáng, hợp pháp của công dân, góp phần đảm bảo việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; hạn chế khiếu kiện sai sót, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người, qua đó giảm dần tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở,
Đồng thời, qua đó tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia với chính quyền cùng cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo các quy định của pháp luật. Thông qua phối hợp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân, tổ chức các hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo để phản ánh, kiến nghị chính quyền địa phương các cấp giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Tại buổi lễ, các đại biểu cũng đã thảo luận, thống nhất 06 nội dung trọng tâm trong Chương trình phối hợp như: Tuyên truyền phổ biến trong các tầng lớp nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; chủ động phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nảy sinh từ cơ sở; tăng cường hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp đã có kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có tình tiết mới mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại tố cáo để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý giải quyết; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo để có kế hoạch giám sát kịp thời; rà soát, đề xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng, tính khả thi của các chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cùng với việc phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, ban ngành, các đơn vị cũng đã thống nhất nội dung thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phối hợp do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh làm Phó trưởng ban, đại diện lãnh đạo của Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh là thành viên. Thông qua cơ chế phối hợp, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp theo từng bước cụ thể, hàng năm có sơ kết đánh giá để rút ra những tồn tại, hạn chế kịp thời bổ sung nội dung Chương trình phối hợp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị./.
Ban Tổ chức – Tuyên giáo.