hào đón mùa xuân mới, vạn vật đều trở nên tươi mới, tràn đầy sức sống. Trên khắp các xóm, bản, hàng nghìn ngôi nhà tạm, nhà dột nát được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Người dân ai cũng vui mừng, an cư, lạc nghiệp đón xuân trong những ngôi nhà mới, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà còn mùi sơn mới, chị Dương Thị Thùy, xóm Nà Luông, xã Thái Cường (Thạch An) không giấu được niềm vui với nụ cười tràn đầy hạnh phúc. Ngôi nhà mới của chị được xây dựng kiên cố với diện tích 76 m², đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng” (cứng nền, cứng tường, cứng mái) bằng kinh phí hỗ trợ từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT,NDN) và đóng góp của cộng đồng, các nhà hảo tâm.
Chị Thùy chia sẻ: Gia đình là hộ nghèo, kinh tế phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi nên còn nhiều khó khăn. Ngôi nhà trước đây mùa nắng thì nóng hầm hập, còn mùa mưa thì dột tứ bề nhưng không có tiền để sửa. Được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 50 triệu đồng và vay thêm anh em, họ hàng để xây ngôi nhà mới vững chãi, chắc chắn. Nhà mới xây xong, tôi có thêm động lực, cố gắng lao động sản xuất, tìm thêm việc làm phù hợp để nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ 341 tỷ 113 triệu đồng cho 8.799 hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Cũng như chị Thùy, gia đình anh Lê Hoàng Liêm, xóm Nà Khan, xã Đại Tiến (Hòa An) là hộ cận nghèo hoàn cảnh khó khăn. Gia đình anh có 5 nhân khẩu nhưng chỉ phụ thuộc vào nông nghiệp, bố mẹ đều lớn tuổi, con còn nhỏ, anh lại bị bệnh viêm tĩnh mạch nên không lao động nặng được. Trước đây, cả gia đình sống trong nhà vách đất, mái ngói, lụp xụp, thiếu thốn đủ thứ. Từ nguồn xã hội hóa của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ 80 triệu đồng, vay vốn ưu đãi ngân hàng, vay mượn anh em, họ hàng và tiền tiết kiệm của gia đình đã giúp xây dựng ngôi nhà mới khang trang có tổng diện tích 110 m², đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng”, kinh phí hơn 400 triệu đồng.
Vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi được đón tết trong ngôi nhà mới, anh Liêm xúc động cho biết: Có một căn nhà sạch sẽ, kiên cố, thoáng đãng là mơ ước cả đời của tôi. Không ngờ tết năm nay, tôi có được một ngôi nhà như mơ, gia đình tôi rất vui và hạnh phúc. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, tổ chức xã hội, trong thời gian xây dựng, họ hàng và bà con làng xóm đều tới chia sẻ, giúp đỡ gia đình tôi rất nhiệt tình. Cảm ơn các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà mới cho gia đình tôi.
Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn ngôi nhà tạm, dột nát của tỉnh được hỗ trợ xây mới, sửa chữa kiên cố, khang trang, vững chãi bằng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và nhà hảo tâm. Mỗi ngôi nhà được khánh thành và bàn giao thực sự là một mái ấm thắm đượm tình đoàn kết dân tộc, giúp các đối tượng từng bước an cư, lạc nghiệp, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của các địa phương.
“Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm”
Những năm qua, Chương trình XNT, NDN cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trở thành phong trào rộng khắp và mang lại “sinh lực mới” cho phát triển kinh tế - xã hội tại các xóm vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện, tỉnh rà soát số lượng nhà cần hỗ trợ với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm” và để người dân tự quyết định mẫu nhà ở phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở giúp đỡ các gia đình trong quá trình thi công sửa chữa nhà ở, đảm bảo chất lượng công trình, giúp các hộ yên tâm ổn định cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê khẳng định: Chương trình XNT,NDN được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống nhân dân. Việc triển khai thực hiện theo tinh thần “tỉnh lo chung, huyện lo huyện, xã lo xã” và bám sát các quy định, chính sách, đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu; phấn đấu giá trị của nhà được làm mới phải cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đơn vị, địa phương, yêu cầu phải có những cách làm sáng tạo, quyết liệt trong triển khai thực hiện. Quyết tâm cao nhất, nỗ lực thực hiện hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ XNT,NDN cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, các địa phương thành lập ban tổ chức thực hiện hỗ trợ XNT,NDN trên địa bàn. Ban hành quy chế hoạt động của ban tổ chức các huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các địa bàn; tổ chức tuyên truyền việc thực hiện chương trình thông qua các cuộc họp, hội nghị, các tài liệu tuyên truyền, các văn bản chỉ đạo, điều hành. Căn cứ nguồn vốn được giao, các huyện tổ chức phân bổ đến các xã để hỗ trợ các hộ theo quy định. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ, giải ngân nguồn vốn.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Hòa An.
Nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo được triển khai, nhân rộng như: giao lực lượng công an làm nòng cốt bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp từng hộ dân; vận động, huy động thêm kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công lao động hỗ trợ các hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già, neo đơn không nơi nương tựa; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để cùng chung tay XNT,NDN; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ hơn 404 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa để thực hiện XNT,NDN cho 10.632/16.627 hộ. Riêng năm 2024, giải ngân 183 tỷ 302 triệu đồng hỗ trợ 5.216/7.121 hộ, đạt 73,2% kế hoạch; 800 nhà đã hoàn thành nhưng chưa giải ngân, hơn 600 nhà đang xây dựng, gần 500 nhà chưa xây dựng. Đa số người dân có tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều người dân mạnh dạn huy động thêm vốn, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để có được ngôi nhà khang trang hơn, đảm bảo cuộc sống lâu dài. Chất lượng nhà hoàn thành đảm bảo theo tiêu chí “3 cứng”, vượt diện tích tối thiểu và thời gian sử dụng. Nhiều hộ sau khi hoàn thành trị giá nhà trên 200 triệu đồng, có nhà lên đến 600 triệu đồng.
Việc huy động xã hội hóa nguồn lực (kinh phí, ngày công lao động) được các địa phương thực hiện tương đối tốt. Trong đó, huyện Bảo Lâm chỉ đạo huy động các xã, thị trấn, các đoàn thể, thôn, xóm hỗ trợ 7.832 ngày công lao động; huyện Hòa An huy động được trên 13 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân; huyện Hạ Lang huy động sự hỗ trợ từ người dân thôn, xóm, các lực lượng công an, biên phòng... để hỗ trợ người dân hoàn thành nhà đảm bảo tiêu chí và đúng tiến độ đề ra.
Nguồn: baocaobang.vn