Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Kết quả 20 năm tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Qua 20 năm (2003 - 2023) thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT- MTTW, ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã có tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh trên nhiều lĩnh vực, tình hình kinh tế - văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất tinh thần được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng của quần chúng được phát động và duy trì thường xuyên. Để tổ chức tốt Ngày hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thành lập các đoàn lãnh đạo tỉnh dự Ngày hội tại một số khu dân cư trên địa bàn tỉnh; đồng thời xây dựng kế hoạch và các văn bản hướng dẫn cơ sở tổ chức Ngày hội tại địa phương, chọn các khu dân cư, liên khu dân cư, đầy đủ thành phần các dân tộc, nhất là các khu dân cư có đông dân tộc thiểu số ít người để tổ chức điểm Ngày hội; mời các đồng chí lãnh đạo đại diện cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về dự Ngày hội; trong 20 năm qua toàn tỉnh đã tổ chức được 931 đoàn với 8.935 lượt các đồng chí lãnh Đảng, UBND, Ủy ban MTTQ và lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh về dự Ngày hội với Nhân dân.

anh tin bai

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư Pác Bó, Nặm Lìn, Nà Lẹng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được diễn ra từ ngày 01/11 đến 18/11 hàng năm. Trước và trong khi diễn ra Ngày hội, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tập trung tổ chức một số hoạt động như: Tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa Nhân dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền để trao đổi và giải quyết những vấn đề Nhân dân quan tâm, nhất là những bức xúc ở cộng đồng dân cư; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện như: Thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có uy tín tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo Mặt trận qua các thời kỳ, các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trao nhà Đại đoàn kết. Tổ chức các hoạt động về môi trường: trồng cây xanh, duy trì mô hình, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang khu dân cư sạch, đẹp... Việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã phát huy sự sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp; nội dung Ngày hội gồm 2 phần chính:

Phần lễ: diễn ra trang trọng, nội dung trọng tâm tuyên truyền về lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với tuyên truyền về kết quả công cuộc đổi mới ở địa phương, cơ sở, khu dân cư; báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động, kết quả ủng hộ Quỹ vì người nghèo, kế hoạch thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới; đại biểu phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện cuộc vận động; biểu dương những tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu trong năm; phát động thi đua và đăng ký các danh hiệu thi đua. Kết quả đến nay Ủy ban MTTQ các cấp đã trao 5.729 suất quà cho người có uy tín tiêu biểu trị giá 2.991.600.000 đồng; biểu dương 42.341 cá nhân tiêu biểu; 11.581 hộ gia đình có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện các hoạt động tại khu dân cư.

anh tin bai

Nhân dân tổ dân phố 3, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng) biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày hội.

Phần hội: được tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian mang tính truyền thống của địa phương như: kéo co, tung còn, đẩy gậy, lày cỏ, nhảy bao bố, thi đấu bóng chuyền hơi... thu hút đông đảo nhân dân ở khu dân cư tham gia. Hàng năm, có trên 99% khu dân cư tổ chức Ngày hội, các khu dân cư đã thực hiện theo đúng nội dung, chương trình theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ngày hội đã thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia sôi nổi, không những người dân sinh sống tại địa bàn khu dân cư mà có cả con em của địa phương sinh sống, học tập ở trong và ngoài tỉnh; các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn dân cư cùng về dự. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành đợt sinh hoạt xã hội rộng rãi, tạo không khí vui tươi phấn khởi và thực sự là ngày hội ở từng cộng đồng dân cư trong toàn tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn tuyên truyền lồng ghép các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào nội dung các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tại Ngày hội như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”... Phối hợp vận động Nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phúc lợi công cộng, số hộ nghèo, hộ ở nhà dột nát giảm rõ rệt, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân ủng hộ Quỹ “Xây dựng nông thôn mới” với số tiền trên 34,9 tỷ đồng; đã hỗ trợ cho 27 xã mua trang thiết bị nhà văn hóa, di rời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động Nhân dân hiến trên 909.476 m2 đất; góp 881.223 ngày công lao động, góp trên 235 tấn xi măng, hàng ngàn m3 cát, đá, sỏi... xây được 345,5 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 1.650 km kênh mương nội đồng..., góp phần phát triển kinh tế từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 17/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 64 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 47 xã đạt 7 - 9 tiêu chí; số tiêu chí bình quân các xã đạt 11,63 tiêu chí/xã, một số nơi đang phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Các hoạt động “Vì người nghèo” được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp triển khai thực hiện tốt. Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã huy động được trên 142 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" và các nguồn hỗ trợ khác đã hỗ trợ xây dựng và sữa chữa 11.148 nhà; tặng 80.201 suất quà cho người nghèo ăn tết; hỗ trợ 8.359 lượt hộ nghèo phát triển sản xuất, 4.936 bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh và 2.386 học sinh nghèo có nhiều thành tích trong học tập.....

Việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết đã góp phần khơi dậy trong Nhân dân ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đã huy động được sức mạnh Nhân dân trong việc đóng góp, bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa của đất nước, quê hương; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; truyền thống trọng nhân nghĩa, trọng hiền tài, hiếu học, nhân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn; kính trên nhường dưới, trọng người cao tuổi…. tính gắn kết cộng đồng, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội. Tham gia Ngày hội, nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết. Đặc biệt việc tổ chức ngày hội đã nhân lên nghĩa đồng bào dân tộc qua những hoạt động san sẻ với các gia đình khó khăn, hoạn nạn, tri ân gia đình có công với cách mạng, tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và hoạt động xã hội. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, xây dựng các gia đình điển hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Ngày hội cũng khích lệ Nhân dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh, có các hoạt động nhằm đấu tranh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như: Lạm dụng rượu, cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm, đánh bạc… qua đó đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kết quả 20 năm qua, kinh tế xã hội địa phương tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bình quân thu nhập đầu người tăng lên hàng năm, năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 40,2 triệu đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 23,3%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,29%. Qua đó góp phần nâng cao các danh hiệu văn hóa, cụ thể năm 2003 số hộ đạt gia đình văn hóa chiếm 57%, đến năm 2022, số hộ đạt gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 88%; khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 85%.

Phát huy những kết quả tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời gian tới với vai trò là cơ quan tham mưu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy tổ chức có hiệu quả Ngày hội với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 Một là, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy định của địa phương, quy ước của xóm (tổ dân phố). Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để Nhân dân đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức, nhận thức chính trị trước các âm mưu chống phá, đặc biệt là sự lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

 Hai là, tăng cường vận động nhân dân phát huy thế mạnh của địa phương, tranh thủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đoàn kết giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.

 Ba là, tổ chức cho nhân dân tham gia, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào “Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Phong trào “Cao Bằng chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương;

 Bốn là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện để nhân dân phát huy tốt vai trò tự quản ở cộng đồng; duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư. Góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, gắn kết cán bộ, đảng viên với nhân dân; đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện.

 Năm là, tiếp tục hướng dẫn, nhân rộng những cách làm hay, mô hình sáng tạo. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tham mưu, tổ chức các hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc triển khai tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

               Nguyễn Hồng Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

  • Chuyên mục Đại đoàn kết các dân tộc và chắp cánh ước mơ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ giản đơn của cậu bé Lục Huy
  • Chắp cánh ước mơ: Ngôi nhà không còn cha mẹ
  • Chắp cánh ước mơ: Ước mơ làm bác sỹ của cậu bé mắc bệnh máu trắng
    Em Hoàng Vần Kiêm là học sinh lớp 9 trường PTDTBT – THCS Hưng Đạo. Em mắc bệnh máu trắng từ nhỏ, là con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Kiêm ở với ông bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo và không đủ chi phí để đưa em đi chữa bệnh
  • Chắp cánh ước mơ : Cô bé nhỏ kiên cường tự lập
    Mồ côi mẹ, bố cụt cả 2 chân không còn khả năng lao động, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào tiền trợ cấp tàn tật của bố; 02 người con là e Chi và e Na hiện đang sống với Bác
  • Lòng hiếu thảo của cậu bé với người mẹ mù lòa
  • Câu chuyện về cô học trò nhỏ Nguyễn Vương Hải Yến
1 
Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang