Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bế Văn Đàn Lý Quốc Hội cho biết, xã có lợi thế là giao thông thuận lợi, kết nối với thị trấn Hòa Thuận, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa và thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang. Nhưng hạn chế là địa phương ở xa những trung tâm tiêu thụ nông sản, hàng hóa lớn của cả nước. Do đó, “bài toán” phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương được đặt ra.
Căn cứ tình hình thực tế, thời gian qua, xã đã sử dụng hợp lý các nguồn lực được Nhà nước đầu tư, xã hội hóa, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, trong xã bước đầu hình thành được phong trào phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô gia đình. Nhiều hộ đã học hỏi kiến thức kỹ thuật, đầu tư xây dựng chuồng trại khang trang, chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi, phát triển chăn nuôi hiệu quả, cho thu nhập khá.
Xóm Bắc Vọng nằm cạnh con sông Bắc Vọng hiền hòa, thơ mộng, đây cũng là xóm đi đầu trong phát triển kinh tế ở xã Bế Văn Đàn. Trưởng xóm Bắc Vọng Hoàng Văn Hải cho biết: Xóm có 76 gia đình, trong đó, có gần 10 gia đình đã phát triển chăn nuôi quy mô khá. Gia đình anh Hoàng Văn Đông đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại khang trang, phát triển chăn nuôi lợn.
Anh Đông cho biết: “Năm 2011, gia đình tôi được hỗ trợ lợn giống. Từ hai con lợn giống đầu tiên, gia đình phát triển chăn nuôi lợn nái, giữ lại lợn con để nuôi lợn thịt. Hiện, trong chuồng thường xuyên có từ 20 đến 30 con lợn, mỗi năm xuất chuồng hai lứa, bán ra thị trường hàng tấn thịt lợn hơi, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Năm 2020, gia đình tôi đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng căn nhà hai tầng khang trang, ổn định cuộc sống”.
Những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như gia đình anh Hoàng Văn Đông là thí dụ trực quan nhất để các gia đình, nhất là hộ nghèo học tập, làm theo. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bế Văn Đàn, Lý Quốc Hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đạt 14 trong số 19 tiêu chí. Hiện địa phương đang phấn đấu trong năm 2024, hoàn thành ba tiêu chí; sang năm 2025 hoàn thành thêm hai tiêu chí. Trong đó, hai tiêu chí khó khăn nhất là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, phấn đấu đạt trong năm 2025 để xã cán đích nông thôn mới.
Cuộc sống của người dân nơi quê hương Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn đã có nhiều đổi thay. Đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình không ngừng được cải thiện, nâng cao. Để tưởng nhớ công lao, đóng góp của người con ưu tú của quê hương Quảng Hòa, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm thăm hỏi, tặng quà, động viên thân nhân của Anh hùng liệt sĩ. Năm 2018, cấp ủy, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp đã đầu tư, hiến đất, đóng góp, xây dựng Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn tại xóm bản Buống. Tổng kinh phí đầu tư công trình Nhà tưởng niệm hơn 7,3 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng; tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiến đất và đóng góp với tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động, đến nay Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Anh Bế Văn Vũ, Tổ quản lý Nhà tưởng niệm chia sẻ, những năm qua, nhà tưởng niệm đón nhiều đoàn, với hàng nghìn lượt khách đến dâng hương.
Nguồn: nhandan.vn