Phụ nữ Mông trắng ở Yên Sơn (Hà Quảng).
Hằng năm, đến vụ mùa, người Mông rất cẩn trọng trong việc trồng và chăm sóc cây ngô, việc cây ngô tươi tốt, được mùa là niềm mong muốn của tất cả các thế hệ người Mông. Với quan điểm tin rằng “vạn vật hữu linh”, để gửi niềm mong muốn ấm no, hạnh phúc trong cuộc sống, mong muốn vụ ngô của gia đình được mùa, người Mông ở Yên Sơn (Hà Quảng) thực hiện lễ “chì tay”. Lễ “chì tay” - cầu mùa ngô ra đời và tồn tại cùng sự phát triển của cộng đồng người Mông từ bao đời nay.
Vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm, người Mông ở Yên Sơn sẽ thực hiện nghi lễ “chì tay” để gọi hồn cây ngô, cầu cho cây tươi tốt, sai quả, chắc hạt… Địa điểm cúng là đám rẫy trồng ngô của gia đình, đồ cúng gồm: 1 con gà luộc, 1 chai rượu, xôi màu, tiền âm phủ cắt từ giấy bản, 3 cây tong sử (là cây thân bụi, lá to khoảng 15 - 20 cm), 3 thân cây ke danh xùa (gọi theo tiếng Mông), mỗi cây dài 2 m.
Đến đám rẫy của gia đình, người Mông sẽ bày đồ cúng. Cách bày đồ lễ của người Mông khác biệt so với các dân tộc khác. Cụ thể, người Tày, Nùng đi cúng bên ngoài đều mang theo bàn trúc hoặc bàn gỗ riêng, người Mông không mang theo bàn mà chặt cây để dựng thành giàn ngay giữa đám rẫy thay bàn để bày đồ cúng. Đây có lẽ do tập quán du canh, du cư từ thuở xưa và do quãng đường đi lại khó khăn nên việc mang theo bàn không dễ, do vậy họ có tập quán chặt cây rừng để làm bàn cúng thần linh.
Chừ cùa của người Mông trắng ở Yên Sơn (Hà Quảng).
Cách bày đồ cúng cho lễ “chì tay” như sau: Cây danh xùa và tong sử được cắm thành một hàng ngang, các cây này phải là cây có lá, khi cắm trông như một hàng cây nhỏ trước giàn cúng, tiếp đó bày gà, xôi, rượu, tiền giấy… Sau khi sắp đồ cúng, thắp hương, người cúng sẽ khấn “Hôm nay ngày 3/3, gia đình chúng tôi (khấn tên của người chủ gia đình) trồng ngô ở đây, cầu xin thần linh phù hộ cho cây ngô không bị kiến ăn, không bị gió làm đổ ngô, khi khấn gọi tên các đám rẫy (do gia chủ tự đặt tên) 3 lần. Khấn xong người làm lễ sẽ tung thẻ “chừ cùa” - thẻ âm dương của người Mông, đó là 2 miếng gỗ dài 5 cm, rộng 2 cm, một đầu được vót nhọn. Nếu thẻ ngửa hết tức là quẻ thuận, lễ cúng thành công, thần linh đã về nhận lễ. Cúng xong, đồ lễ được thu dọn về nhà, riêng bàn và cây danh xùa, cây tong sử sẽ để nguyên, không được phá dỡ cho đến khi bàn tự đổ…
Với người Mông ở Yên Sơn, việc thực hiện nghi lễ “chì tay” là một điều thiêng liêng, họ thực hiện nghi lễ với tấm lòng thành kính để gửi ước vọng mong muốn vụ mùa bội thu để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ “chì tay” phản ánh niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng người Mông về thế giới siêu nhiên, là nét văn hóa đặc sắc trong tín ngưỡng của cộng đồng người Mông ở Cao Bằng.
Nguồn: Baocaobang.vn