Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng giám sát kết quả thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2024 - 2025
Để chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh
Cao Bằng triển khai đúng tiến độ, đúng đối tượng và mang lại hiệu quả thiết thực,
Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát huy vai trò giám sát nhằm đánh giá tình hình,
kết quả triển khai thực hiện việc hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn
tỉnh, kịp thời phát hiện, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá
trình thực hiện. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Phong trào thi đua
“Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” của
Chính phủ; vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng thực hiện Phong
trào thi đua, tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo
xây mới và sửa chữa nhà ở. Ban
Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-MTTQ-BTT ngày 17/4/2025 về giám sát chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm nhà dột nát
trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2024 - 2025. Từ
ngày 15/5 - 18/5/2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Đoàn giám sát
trực tiếp tại 02 huyện Hạ Lang và Trùng Khánh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Vân, Phó Chủ tịch Uỷ ban
MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với huyện
Hạ Lang.
Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã đặc biệt quan tâm
triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và
các đối tượng yếu thế. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang ý nghĩa
nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh
và hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiều chương trình hỗ
trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đã được triển khai đồng bộ, huy động hiệu quả các
nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp
và mạnh thường quân. Các địa phương đã chủ động rà soát, lập danh sách, phân loại
đối tượng cụ thể, bảo đảm việc hỗ trợ đúng người, đúng hoàn cảnh. Từ năm 2021 đến
nay, từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ
làm mới, sửa chữa, xóa gần 12.000 nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2025, địa phương tiếp
tục hỗ trợ xóa 7.115 nhà tạm, nhà dột nát, với tổng số tiền hỗ trợ 371 tỷ đồng.
Đến nay, đã có 1.959 ngôi nhà xây xong; 1.714 ngôi nhà đang thi công; còn 3.412
ngôi nhà sẽ khởi công trong thời gian tới. Dịp này, tỉnh Cao Bằng đã phát động
cao điểm 180 ngày thực hiện hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
trên địa bàn, với mục tiêu đến ngày 19/5, toàn bộ 3.412 ngôi nhà tạm, nhà dột
nát còn lại sẽ được khởi công xây dựng; đến ngày 30/9, toàn bộ số nhà tạm, nhà
dột nát được hỗ trợ kinh phí xây dựng sẽ hoàn thành xây dựng. Bên cạnh đó, công
tác giám sát được tăng cường, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, kịp thời
phát hiện và xử lý các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai. Mặt trận Tổ
quốc các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc vận động, tuyên truyền và
huy động các nguồn lực xã hội hóa cho chương trình này. Có thể nói, việc xóa
nhà tạm, nhà dột nát không chỉ mang lại những mái ấm mới về vật chất, mà còn là
điểm tựa tinh thần, là động lực để người dân yên tâm lao động sản xuất, vươn
lên thoát nghèo và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đoàn giám sát của Uỷ ban
MTTQ Việt Nam tỉnh do đồng chí Nguyễn Hồng Vân, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt
Nam tỉnh làm Trưởng đoàn, thành viên đoàn gồm có đại diện lãnh đạo các sở
ngành: Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội đồng tư vấn Kinh tế - Xã hội, Dân
tộc - Tôn giáo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh... đã tiến hành kiểm tra thực tế tại
các xóm của huyện Hạ Lang và Trùng Khánh. Tại các điểm đến,
Đoàn giám sát đã trực tiếp khảo sát hiện trạng nhà ở của các hộ gia đình thuộc
diện được hỗ trợ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân cũng như những
khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại cơ sở. Qua kiểm tra thực tế,
các hộ đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi được quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở
kiên cố, góp phần ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Đoàn giám sát
ghi nhận phần lớn các công trình đều bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng, kết cấu,
kỹ thuật xây dựng theo đúng hướng dẫn của tỉnh. Các căn nhà được xây dựng kiên
cố, vững chắc, có tường xây, mái lợp tôn hoặc ngói, nền lát hoặc láng xi măng,
đảm bảo yêu cầu "ba cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng), phù hợp với
điều kiện sinh hoạt và đặc điểm khí hậu từng khu vực. Một số địa phương còn chủ
động hỗ trợ thêm ngày công, vật liệu hoặc hướng dẫn người dân tận dụng vật tư sẵn
có để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Đặc biệt, quá
trình thi công đều có sự tham gia, giám sát của chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ
quốc và cộng đồng dân cư, giúp các hộ được thụ hưởng yên tâm và tin tưởng vào
chương trình.

Đồng chí Bế Trọng
Hàm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thành viên Đoàn giám sát, phát biểu ý kiến
tại buổi làm việc.
Qua làm việc với các
đơn vị giám sát, nghe thông tin và trao đổi giữa 2 bên đoàn giám sát cơ bản đồng
tình với kết quả thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát tại các đơn vị. Năm 2025, huyện Hạ Lang được phân bổ từ nguồn chương trình MTQG giảm
nghèo với tổng số nhà 327 nhà, trong đó có 13 nhà xin rút khỏi chương trình huyện
đã kiểm tra và cả 13 nhà đều đủ tiêu chí; 06 hộ chưa thực hiện (xã An Lạc 3
hộ; xã Vinh Quý 01 hộ; xã Quang Long 01 hộ; xã Lý Quốc 01 hộ). Tại Quyết định
319/QĐ-UBND, ngày 13/3/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kinh phí xã hội hóa,
huyện được giao 15 nhà theo Quyết định 492/QĐ-UBND, hiện nay huyện đang triển
khai thực hiện. Đến ngày 8/5/2025 huyện đã đạt 97% về chương trình xóa nhà tạm,
nhà dột nát trên địa bàn huyện; ngày 13/5/2025 khởi công xong, phấn đấu
30/6/2025 hoàn thành và tổng kết chương trình.
Huyện Trùng Khánh: Số nhà chuyển từ
năm 2024 sang năm 2025: 41 hộ (trong đó: 22 nhà xây mới, 19 nhà sửa chữa), thực
hiện được 21/41 nhà đạt 51,22%; Số nhà được giao năm 2025: 680 nhà (trong đó: 390 nhà xây mới, 290 hộ sửa chữa), thực hiện được 513/680 nhà đạt 75,5 % so với kế hoạch; Số nhà xin rút khỏi đề án là 113 nhà; số nhà thay đổi hình thức là 8 nhà.
Tổng số nhà còn lại cần triển khai của huyện Trùng Khánh đến ngày đến 30/9/2025
là 74 nhà.
Đoàn giám sát ghi
nhận những kết quả trong công tác chỉ đạo, vận động và huy động các nguồn lực hỗ trợ xây
dựng, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách; trong việc
theo dõi, kiểm tra tiến độ thi công và hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo mỗi căn nhà
không chỉ là nơi che mưa nắng, mà còn là nền tảng vững chắc để người dân ổn định
cuộc sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, Đoàn cũng chỉ
ra một số tồn tại như: Công tác tuyên truyền của một
số nơi còn chưa đi sâu đi sát, chưa cụ thể đối với từng hộ dân, dẫn đến người
dân không hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, cũng như các điều kiện để được thanh
quyết toán, tiến độ giải ngân kinh
phí còn chậm,
một số hộ dân còn gặp khó khăn về nhân lực, vật liệu xây dựng và điều kiện thi
công; các hộ xây dựng
và sửa chữa nhà chủ yếu là người già vì vậy phần nào ảnh hưởng đến tiến độ xây
dựng nhà.
Đoàn công tác thăm,
tặng quà hộ gia đình ông Vương Văn Thình, xóm Bắc Vọng, xã Vinh Quý, huyện Hạ
Lang.
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Hồng Vân, Phó
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các huyện, xã tiếp
tục quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và tháo gỡ kịp thời
những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm phát
huy tinh thần tương thân tương ái, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa cho
chương trình. Đồng chí nhấn mạnh, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là
nhiệm vụ an sinh xã hội cấp thiết, mà còn là chỉ tiêu quan trọng trong phát triển
bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt
là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đoàn giám sát đề nghị cấp ủy,
chính quyền các cấp cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ
cho việc chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, bám sát tiến độ từng
hộ, từng xóm, từng xã. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân trong
quá trình triển khai, nhất là những hộ neo đơn, thiếu nhân lực hoặc không đủ điều
kiện tự tổ chức thi công. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người
dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó nâng cao ý thức tự lực,
tích cực tham gia xây dựng nhà ở đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn.
Đoàn giám sát cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn như Sở
Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường... phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn kỹ thuật
xây dựng, giám sát chất lượng công trình; đồng thời tăng cường vai trò kiểm
tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhằm
bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra sai sót, trục lợi chính sách
trong quá trình thực hiện.
Nhân dịp này, Đoàn giám sát đã tặng 16 suất quà, mỗi suất
500.000đ trích từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh Cao Bằng cho 16 hộ gia đình tại các
xóm của hai huyện Hạ Lang và Trùng Khánh.
* Một số hình ảnh của Đoàn giám sát:
Đoàn giám sát làm việc tại huyện Trùng Khánh.
Đại diện hộ gia đình bà Hoàng Thị Hoa Huệ, xóm
Răng Xe, xã An Lạc, huyện Hạ Lang nhận quà thăm hỏi, động viên của Đoàn công
tác.
Đoàn công tác thăm, tặng quà hộ gia đình bà
Hoàng Thị Béo, xóm Răng Xe, xã An Lạc, huyện Hạ Lang.
Tại nhà ông Chu Văn Ngô, xóm Sộc Áng, xã An Lạc,
huyện Hạ Lang.
Tại hộ gia đình ông Hoàng Văn Hiệp, xóm Bản
Lung, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Vân, Phó Chủ tịch Uỷ ban
MTTQ Việt Nam tỉnh và các đồng chí thành viên Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế
và tặng quà hộ gia đình bà Hứa Thị Phon, xóm Bản Lung, xã Đoài Dương, huyện
Trùng Khánh.
Đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà hộ bà Hứa
Thị Lùng, xóm Bản Lung, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh (nhà chuẩn bị khởi
công).
Mông Thị
Hoàn, Ban Phong trào